Cách đây hơn một tuần, một cơn mưa nhỏ kèm theo gió giật đã khiến một cây xanh ở đường Lý Tế Xuyên (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM) bật gốc, ngã đè lên dây điện khiến một trụ điện tại đây bị gãy.
Lõi thép mỏng manh
Ghi nhận tại hiện trường, cây xanh có đường kính khoảng 1 m, ngã chắn ngang đường, còn trụ điện bị gãy ngang. "Trụ điện cao hơn chục mét nhưng sợi thép lại mỏng nên gãy là đúng" - một người dân ở đây nhận xét và đặt vấn đề những trụ điện khác dọc tuyến đường này liệu có an toàn trong mùa mưa năm nay.
Trụ điện gãy và đổ ngang đường, đè lên nhà dân trên đường Đình Phong Phú, quận 9, TP HCM
Đây không phải là trường hợp gãy cột điện đầu tiên ở TP HCM trong năm nay. Giữa tháng 4 vừa qua, một trụ điện hình tròn gãy và đổ ngang đường, đè lên nhà dân trên đường Đình Phong Phú (đoạn trước chợ Tăng Nhơn Phú B, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) khiến người dân một phen hoảng sợ. Trụ điện gãy đã làm hư hỏng phần mái của tiệm sửa xe đối diện, nhiều bó dây cáp cũng đứt rời, rớt xuống mặt đường. Người dân cho biết vào thời điểm xảy ra sự cố, nơi này không có mưa hay gió lớn, trụ điện cũng không bị ai tông vào. Ở phần trụ điện bị gãy có rất ít lõi thép và tiết diện sợi thép cũng nhỏ hơn các trụ điện hình vuông.
Liên quan đến sự cố trên, ông Võ Hồng Minh Danh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm, cho biết trụ điện bị gãy là trụ bê-tông ly tâm 12 m do khách hàng đầu tư, thuộc công trình xây dựng mới đường dây trung thế và trạm biến áp cấp điện cho khu nhà ở phường Tăng Nhơn Phú B. Công trình này đưa vào vận hành từ tháng 12-2013. Hiện Công ty Điện lực Thủ Thiêm đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, tìm hiểu nguyên nhân.
Công nghệ dự ứng lực
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC), về nguyên tắc, trụ điện được sản xuất chủ yếu để đỡ dây điện nhưng trên thực tế thường xuyên chịu thêm lực của hệ thống dây treo. Hơn nữa, trụ điện còn chịu sức gió hoặc va chạm cơ học khác đột xuất như xe vướng dây thông tin, cây xanh đè lên… "Khi các lực này vượt quá khả năng chịu đựng của trụ và với điều kiện trụ được giữ chặt trong đất thì sẽ xảy ra hiện tượng hư hỏng trụ. Đối với trụ sản xuất theo công nghệ dự ứng lực thì thường sẽ bị gãy" - vị này giải thích.
Về tiêu chuẩn trụ điện, đại diện EVN HCMC cho biết đơn vị này không sản xuất trụ điện mà hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và siết chặt về tiêu chuẩn. Các trụ điện bị gãy ở trên được sản xuất theo phương pháp ly tâm cốt thép dự ứng lực, được sử dụng từ năm 2000 đến nay. Trong quá trình sử dụng, các đơn vị trực thuộc đánh giá các trụ điện theo công nghệ này đáp ứng yêu cầu, chưa xảy ra hiện tượng bị gãy trừ các trường hợp bất khả kháng như xe đụng, thiên tai.
Còn trụ điện tại các dự án khu dân cư thì do chủ đầu tư xây lắp. Tuy nhiên, EVN HCMC đều tham gia kiểm soát chất lượng trụ điện qua khâu thiết kế để cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn, kỹ thuật. Khi thực hiện thủ tục bàn giao, đơn vị này sẽ rà soát hồ sơ hoàn công, trong đó tập trung vào các tài liệu về thông số kỹ thuật cột điện, biên bản thử nghiệm để lưu hồ sơ quản lý. Sau khi tiếp nhận, các công ty thành viên sẽ vận hành, kiểm tra và bảo dưỡng, sửa chữa theo định kỳ.
Theo một chuyên gia trong ngành điện lực, trên thế giới, việc sản xuất các sản phẩm như trụ điện, cọc cừ bê-tông ly tâm, ván bê-tông, tà vẹt bê-tông… bằng công nghệ ly tâm dự ứng lực đã có từ lâu. Cột bê-tông dạng này có nhiều ưu điểm như tiết kiệm giá thành, kết cấu nhẹ, không bị biến dạng, bị nứt trong quá trình vận chuyển, lắp dựng và sử dụng. Bê-tông được ứng suất trước, kết hợp với quay ly tâm đã làm cho bê-tông của sản phẩm đặc, chắc, chịu được tải trọng cao, không nứt, tăng khả năng chống thấm, chống ăn mòn cốt thép, ăn mòn sulphate. Tuy nhiên, loại này lực uốn kém nên khi bị gió bão thổi ngang thì trụ gãy ngang, kéo theo những trụ liền kề gãy đổ. Vì vậy, không nên sử dụng cho những vị trí xung yếu như góc, néo.
Mé nhánh, đốn hạ cây sâu bệnh
Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa yêu cầu các khu quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn tăng cường công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục sự cố cây xanh trong mùa mưa bão năm 2018.
Theo đó, các đơn vị này phải tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên đường phố, công viên để đốn hạ những cây bị sâu bệnh, già cỗi, bọng gốc…, mé nhánh những cây tán lớn, nhất là cây sao đen. Cùng với đó là phối hợp với các đơn vị điện lực chủ động cắt tỉa cây xanh dưới đường dây điện để bảo đảm an toàn điện, cây xanh và mỹ quan đô thị.
Bình luận (0)