Từ cuộc sống du canh, du cư trong tận rừng sâu, sau khi được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phát hiện đưa về định cư tại bản Rào Tre, dưới đỉnh núi Giăng Màn, đồng bào dân tộc Chứt giờ đã biết trồng trọt, chăn nuôi... và đang từng ngày hòa nhịp vào cuộc sống hiện đại.
Nỗi ám ảnh về những hủ tục
Chúng tôi về lại bản Rào Tre của tộc người Chứt dưới đỉnh Giăng Màn ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, một ngày cuối năm. Đập vào mắt chúng tôi là cả một bản làng đang tràn đầy nhựa sống. Một mùa Xuân mới nữa lại về, bà con dân bản nơi đây đã và đang từng bước bắt nhịp với cuộc sống hiện đại.
Đồng bào người Chứt phấn khởi chào đốn một mùa xuân mới.
Ngược dòng thời gian, vào khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, tại khu vực huyện Hương Khê xuất hiện một số người nói tiếng Kinh không sõi. Những người này lâu lâu lại bất ngờ xuất hiện tại các khu chợ trong vùng để đưa những sản vật mà họ đánh bắt được như chim, thú để đổi lấy gạo, muối, dao, kéo....và rồi lại biến mất như khi họ tới.
Đến năm 1991, trong quá trình tuần tra biên giới, tại khu rừng sâu phía tây của dãy núi Giăng Màn, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện tộc người Chứt. Ở nơi thâm sơn cùng cốc, tộc người này sống du canh, du cư trong tận rừng sâu, trong các hang đá; cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực vận động của các chiến sĩ mang quân hàm xanh, tộc người này cũng đồng ý ra khỏi rừng sâu, về sinh sống tại bản Rào Tre từ đó cho đến nay.
Kể từ ngày được BĐBP tỉnh Hà Tĩnh phát hiện đưa ra đây, cuộc sống của 46 hộ dân với 157 nhân khẩu của người Chứt đang đổi thay từng ngày.
Ngồi bên bậc thềm nhà sàn bà Hồ Thị Linh cho hay, ám ảnh nhất của phụ nữ trong bản hồi trước là tập tục sinh con ngoài bờ suối. Bà nhớ lại ngày trước phụ nữ sinh con phải ra bờ suối dựng lán, tự vượt cạn, nhất quyết không được sinh con tại nhà vì như vậy sẽ mang điều xui xẻo cho cả tộc. Cô độc và thiếu thốn khiến những đứa trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh. "Mỗi lần có người chết, thầy mo lại bảo họ bị "Con ma rừng" tha đi, ngay cả bản thân tôi và đứa con thứ tư cũng suýt mất mạng vì lối suy nghĩ này. Tuy nhiên, may mắn hơn lúc đó tôi đã được các chú bộ đội biên phòng đến đưa đi bệnh viện nên đã không có chuyện không hay xảy ra. Giờ thì dân bản tôi không còn mê muội nữa rồi, "Con ma rừng" đã là quá khứ", bà Linh nói.
Cũng theo bà Linh, bây giờ hễ ốm đau, bà con dân bản đều tìm đến thầy thuốc quân y, nếu nhà nào có người gặp bệnh nặng thì nhờ các chú bộ đội biên phòng chở đi bệnh viện.
"Khi mới về bản Rào Tre, do vẫn còn mang theo mình lối sống du canh, du cư cho nên việc thích nghi với cuộc sống định canh, định cư của bà con người Chứt là một vấn đề hết sức nan giải. Cho nên ngày từ đầu các chiến sĩ BĐBP đã xác định là phải tiếp cận, làm quen, tạo sự gần gũi, tin tưởng. Đồng thời giúp dân làm nhà ở, vệ sinh môi trường, hướng dẫn cách chăm sóc con cái và dạy chữ cho họ", Trung tá Nguyễn Văn Đàn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bản Giàng cho biết.
Từng bước hòa nhập
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các chiến sĩ BĐBP cùng với bà con dân bản, năm 2012, bản Rào Tre được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ cấp quốc gia, 100% người dân biết nói tiếng Kinh. Hiện nay, bản Rào Tre có hàng chục học sinh đã và đang học văn hóa tại trường dân tộc nội trú, nhiều thanh niên nhập ngũ, hai sinh viên đã tốt nghiệp Đại học.
Khu tái định cư mới của đồng bào dân tộc Chứt.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tộc Chứt xóa bỏ các hủ tục, BĐBP còn giúp dân bản học cách trồng lúa nước, làm vườn, chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời duy trì các lễ hội truyền thống của đồng bào như: Tết Lấp Lỗ (tháng 7, sau mùa gieo trồng), Tết Chăm Cha Bới (mừng cơm mới vào tháng 11 sau khi thu hoạch).
Nhằm giúp bà con an cư, lạc nghiệp, tháng 5-2018, hai dãy nhà tái định cư gồm 11 ngôi nhà 2 tầng kiên cố, thuộc đề án 2571 của UBND tỉnh Hà Tĩnh được cấp cho 11 hộ với 43 nhân khẩu. Ngoài ra, mỗi hộ dân ở khu tái định cư còn được cấp hơn 2 héc ta rừng để sản xuất.
Bên cạnh đó, nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết, BĐBP thường xuyên tổ chức cho thanh niên người Chứt giao lưu với thanh niên các dân tộc khác. Thông qua các buổi trò chuyện, tình yêu của những chàng trai, cô gái giữa các dân tộc dần nảy sinh. Hiện, trong bản đã có 8 khẩu là người dân tộc Kinh vào lấy vợ, lấy chồng người Chứt và được nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng làm đám cưới cho mỗi cặp đôi.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hộ dân nhà ở đã được kiên cố hóa; 100% số dân được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đáp ứng đầy đủ.
Có mặt tại bản Rào Tre, chúng tôi cũng khá ngỡ ngàng khi thấy được sự hiện diện của đời sống văn minh đã và đang từng ngày len lỏi tới các gia đình của bà con dân bản khi nhiều hộ đã sắm được xe máy, ti vi, dàn nhạc, bếp gas....
Hiện, người Chứt đã và đang từng bước làm quen với tập quán định canh, định cư, biết cách làm ăn dần đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, một số người đàn ông trong bản còn biết đi làm thuê để có thêm thu nhập cho gia đình.
Khu tái định cư mới khang trang của đồng bào dân tộc Chứt
"Hiện, BĐBP đang phối hợp với huyện Hương Khê làm đề án để bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt. Có thể nói, đời sống của bà con cũng đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn khó khăn. Cho nên cần phải tạo kế sinh nhai bền vững và lâu dài cho bà con, chứ không thể để bà con cứ mãi trông chờ vào các chế độ đãi ngộ của nhà nước được. Cũng từ đó để bà con từng bước tự tin hòa nhịp vào cuộc sống hiện đại, văn minh" - trung tá Đàn nói.
Bình luận (0)