Mới nhất là trường hợp Nguyễn Thanh Hùng (trú phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) lái xe khách 12 chỗ chở gỗ lậu vào chiều 27-7, khi bị CSGT thuộc Công an huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đã tông thẳng vào xe CSGT đang bật đèn hiệu làm nhiệm vụ. Bị tông, chiếc xe chuyên dụng này xoay vòng, hất văng đại úy đội trưởng Nguyễn Đức Nhã vào lề đường, trọng thương.
Một ngày trước đó, Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) tạm giữ hình sự ông N.Q.H (ngụ phường Văn Quán, quận Hà Đông) về hành vi hành hung CSGT. Chiều 26-7, ông H. chạy xe máy trên phố Nguyễn Trãi không đội mũ bảo hiểm nên bị đại úy Mai Hồng Sơn (Đội CSGT số 7) đang làm nhiệm vụ ra hiệu dừng xe. Trong lúc trao đổi, ông H. to tiếng với đại úy Sơn và bất ngờ nhặt cục đá bên đường lao tới đập vào đầu sĩ quan CSGT này, khiến anh Sơn bị chấn thương nặng.
Hồi đầu tháng 7, Đ.V.T (ngụ huyện An Lão, TP Hải Phòng) mới 16 tuổi, phóng xe máy như bay, khi bị CSGT thuộc Công an huyện An Lão ra hiệu lệnh dừng xe thì không chấp hành mà tông thẳng vào thượng úy Nguyễn Trọng Quý đang làm nhiệm vụ. Anh Quý bị hất văng lên cao, rơi xuống trọng thương.
Xem clip thượng úy Quý bị tông, hất tung và hình ảnh đại úy Sơn đầu be bét máu hay khoảnh khắc đại úy Nhã bị tông văng vào lề, hẳn ai cũng phẫn nộ trước hành vi côn đồ của những người vi phạm luật giao thông. Số vụ CSGT đang làm nhiệm vụ bị người đi đường cản trở, tấn công gây thương tích thời gian qua khá nhiều.
Vì sao vậy? Bởi đặc thù công việc của CSGT là một phần, thêm nữa là tình hình giao thông tại hầu hết các nơi ở nước ta đều phức tạp, dễ gây căng thẳng nên khi bị "vịn" là giữa người đi đường và CSGT khó tránh bất đồng, tranh cãi, xung đột. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là kiến thức pháp luật về giao thông lẫn ý thức chấp pháp của một bộ phận không nhỏ người đi đường rất kém trong khi mức phạt chưa thỏa đáng, đa số chỉ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội); theo đó, hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 1 triệu tới 2 triệu đồng.
Thực tế cho thấy chỉ có công cụ pháp luật hình sự mới đủ "đô" ngăn ngừa, hạn chế tình trạng chống và hành hung người thi hành công vụ. Theo điều 257 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội chống người thi hành công vụ, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng thì mức án tù cao hơn, từ 2 năm đến 7 năm. Cần triệt để áp dụng mức phạt hình sự, như vụ ở Gia Lai, là có dấu hiệu giết người chứ không đơn thuần là chống người thi hành công vụ.
Bình luận (0)