Trong mấy ngày qua, hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đều xuất hiện những cơn "mưa vàng" giúp đồng ruộng thoát cảnh khô hạn, cuộc sống người dân bớt ngột ngạt. Tuy nhiên, mưa trái mùa cũng kéo theo nhiều nỗi lo…
Giải nhiệt trước mắt
Tại Cần Thơ và An Giang, có cơn "mưa vàng" kéo dài từ sáng tới chiều giúp vườn cây ăn trái, hoa màu của người dân thoát khỏi tình trạng khô cháy. "Từ Tết tới giờ, nắng kinh khủng, hoa màu phải tưới nước liên tục chứ không thôi khô héo hết. Nhờ có cơn mưa kéo dài nhiều giờ đã giải nhiệt trước mắt rồi, mong mưa sẽ xuất hiện thêm nữa" - bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) chia sẻ.
Trên các cánh đồng thuộc huyện biên giới Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) sau những cơn mưa trái mùa, người dân hối hả chăm sóc lúa, hoa màu sau bao ngày nắng nóng. Ngoài ra, nông dân cũng bắt tay vào sản xuất vụ lúa tiếp theo; có nơi làm cỏ lúa, bón phân đạm, bơm thuốc phòng trừ dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Tư (ngụ xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) hớn hở: "Mấy tháng nay, nắng nóng khiến lúa bị ảnh hưởng nặng, may mà có trận mưa cách đây mấy ngày nên giờ đồng ruộng hạ nhiệt, cây lúa phát triển tốt hơn".
Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, nhìn nhận: "Những cơn mưa đầu mùa vừa qua là rất quý đối với cây trồng, nhất là giai đoạn cây lúa bắt đầu làm đòng, trổ bông. Lượng nước mưa sẽ giúp lúa ít hạt lép, bảo đảm năng suất; các loại cây trồng khác cũng có điều kiện sinh trưởng".
Nông dân ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp phấn khởi vì “mưa vàng” kéo dài giúp hoa màu phát triểnẢnh: TÂM MINH
Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) là huyện giáp biển nên bị mặn tấn công từ sau Tết nguyên đán. Hiện toàn huyện có khoảng 10.000 ha mía và cây ăn trái bị thiệt hại, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. "Không biết mấy ngày tới có mưa nữa không nhưng cơn mưa lớn cách đây hai hôm đã giúp cho đồng áng bớt khô cháy, nhiều hộ dân hứng được ít nước để phòng lúc "đói" nước ngọt" - ông Trần Văn Minh, một hộ dân ở huyện Cù Lao Dung, cho biết.
Lo dịch bệnh phát sinh
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho rằng tuy đã có những cơn mưa trái mùa nhưng lượng nước mưa vẫn chưa đủ để đẩy mặn. Hiện độ mặn trên sông Cái Lớn, Cái Bé vẫn đang duy trì ở mức rất cao. Mặn có thể xâm nhập sâu đến nửa đầu tháng 5-2020 rồi mới giảm dần.
Ông Lê Xuân Hiển, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, nhận định mưa trái mùa xuất hiện lần này do nhiễu động gió đông, lượng mưa đo được phổ biến từ 50-100 mm. Mưa trái mùa chỉ duy trì vài ngày, sau đó sẽ dứt hẳn và nhiệt độ sẽ tăng trở lại.
Do là mưa trái mùa nên mặc dù giúp nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL "giải nhiệt" tạm thời nhưng cũng khiến không ít người chăn nuôi gia súc, gia cầm cảm thấy bất an. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm của người dân, mưa đầu mùa thường đi đôi với dịch bệnh phát sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. "Cứ vài ngày sau cơn mưa trái mùa thì gà, vịt đổ bệnh, thậm chí chết hàng loạt. Lý do là thời tiết đang nóng gay gắt mà chuyển sang mưa mát, gà, vịt thích nghi không kịp, sinh ra dịch cúm gia cầm và bệnh tụ huyết trùng…" - ông Võ Văn Còn (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng) tỏ ra lo lắng.
Trong khi đó, những người trồng hoa màu cũng lo sâu bệnh xuất hiện sau "mưa vàng". "Nắng nóng trở lại không chỉ tăng mức độ khô hạn, thiếu nước ngọt mà sâu rầy cũng sinh sôi nảy nở mạnh sau khi mưa trái mùa đổ xuống" - bà Nguyễn Thị Thu Mai (ngụ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) chỉ tay về ruộng bắp của mình nói trong lo lắng.
Rừng U Minh Hạ vẫn "nguy cấp"
Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), cho biết toàn bộ diện tích rừng thuộc Vườn Quốc gia (khoảng 8.500 ha) đang dự báo cháy cấp V. "Mấy ngày qua mưa to xuất hiện nhiều trên diện rộng nhưng khu vực lâm phần U Minh Hạ lại không đón được cơn mưa nào. Dường như mưa chỉ rơi ở các địa bàn lân cận, trong khi rừng đang rất cần mưa vì gần hết diện tích rừng đang báo động cháy ở mức cao nhất" - ông Nguyên nói. Các đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Công ty Chế biến Gỗ Cà Mau, Công ty Khánh Linh, Thúy Sơn... cũng đã tăng cường lực lượng, phương tiện để bảo đảm kịp thời xử lý khi xảy ra cháy.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)