Chúng tôi tìm đến cơ sở đầu tiên sản xuất muối tre tại Việt Nam, Công ty TNHH Bio Korea Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình, đóng tại xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, do ông Hoàng Duy Hải (SN 1957; quê ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) làm chủ.
Tinh túy từ muối biển, ống tre
Ông Hải nói về việc bén duyên với nghề chế biến muối tre: "Khi tình cờ biết câu chuyện sản phẩm muối được nung trong ống tre đang là sản phẩm tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng, sử dụng rộng rãi tại Hàn Quốc. Thấy nguyên liệu nước mình, địa phương mình có sẵn lại dồi dào, tôi nghĩ tại sao mình không thử làm?".
Năm 2015, sau thời gian tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu, ông Hải cùng vợ đã quyết định đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất muối tre thủ công theo phương pháp của người Hàn Quốc. Địa điểm chọn làm khu sản xuất là xã Vạn Trạch, vì thuê được nhiều đất và tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có từ một đơn vị trên địa bàn.
Hai nguyên liệu chính để sản xuất muối tre là những hạt muối trắng tự nhiên và cây tre (trên 3 năm tuổi, đường kính phải 10 cm). Trong đó, muối được ông Hải ưu tiên chọn mua chủ yếu từ làng muối truyền thống Phú Lộc (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch), còn cây tre thì tìm mua ở các làng quê trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chủ yếu ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Hai vật liệu khác đi kèm không thể thiếu để chế biến muối tre: gỗ cây thông (dùng làm nguyên liệu đốt lò nung) và đất sét (được khai thác từ các cánh đồng trong tỉnh với độ sâu dưới 3 m).
Khi các thiết bị, máy móc, nguyên liệu được đưa về cơ sở sản xuất đầy đủ, công đoạn chế biến muối tre bắt đầu.
Để tinh chế ra muối tre, đầu tiên người ta đổ đầy muối vào các ống tre đã được cắt sẵn thành từng đốt; tiếp theo, bịt kín 2 đầu ống tre bằng đất sét; sau đó, đưa vào lò nung; bên dưới lò nung được đốt bằng củi thông.
"Sở dĩ phải bỏ muối vào ống tre tươi mà không phải thân cây khác bởi trong cây tre tươi có chứa loại nước cốt rất đặc biệt mà dân gian thường gọi là "trúc lịch" (nước lấy được khi đốt tre tươi), dùng làm thuốc đông y chữa nhiều bệnh; đất sét sẽ bịt kín để muối không đổ ra ngoài khi đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao; còn củi bằng gỗ thông - loại gỗ có tinh dầu tốt giúp chữa được nhiều bệnh, khi đốt sẽ khuếch tán trong không khí hòa vào muối tre rất tốt cho sức khỏe" - ông Hải giải thích.
Việc chế biến muối tre rất công phu và mất thời gian; phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình. Để muối thông thường ra thành phẩm muối tre, lò nung phải đốt tới nhiệt độ từ 1.200 - 1.400 độ C, tối thiểu phải mất 3 lần nung; nhưng để thành dược liệu, phải qua tới 9 lần nung, mỗi lần mất đến 12 giờ.
"Trong lần nung đầu tiên, các ống tre cháy thành tro cứng như nham thạch, khoáng chất trong cây tre sẽ ngấm vào muối, lúc này muối đã tan chảy và đông cứng lại. Đem muối ra nghiền thành bột rồi đưa vào ống tre mới, tiếp tục cho vào lò để nung; cứ như vậy, phải nung lần lượt 9 lần mới thành thuốc. Để sản xuất 1,5 tạ muối tre, mất 1 tấn muối biển và hơn 30 cây tre dài trên 6 m" - ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, sở dĩ phải trải qua nhiều lần nung muối như vậy là để loại bỏ các tạp chất và thành phần kim loại nặng có trong muối; tối đa hóa việc hấp thụ các khoáng chất tốt từ tre, củi thông và đất sét. Dù là công nghệ thủ công nhưng được áp dụng tiêu chuẩn Hàn Quốc nên luôn phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình, sản phẩm mới bảo đảm chất lượng.
Vợ chồng ông Hoàng Duy Hải bên sản phẩm muối tre Kosal của mình
Các công đoạn chế biến muối tre tại Công ty TNHH Bio Korea Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình
Người Việt còn hờ hững
Với thị trường Hàn Quốc, muối tre là mặt hàng gia vị, dược liệu được ưa chuộng nhưng với người Việt thì chưa được biết đến nhiều.
Khác với các sản phẩm OCOP khác, thương hiệu "muối tre Kosal" sản xuất ở Quảng Bình còn khá xa lạ đối với thị trường Việt Nam; vì đa phần người tiêu dùng chưa hiểu rõ công dụng của sản phẩm đặc biệt này; giá bán tương đối cao (mỗi gói 200 g, tính cả bao bì, được bán ra thị trường với giá 42.000 đồng), nên "muối tre Kosal" chủ yếu xuất khẩu trong thời gian qua.
Ông Hải cho biết "muối tre Kosal" luôn được đối tác Hàn Quốc đặt hàng; có sự giám sát chặt chẽ - từ khâu chế biến, kiểm định chất lượng đầu ra cho tới nơi tiêu thụ. Trung bình các năm trước, công ty ông sản xuất, chế biến và xuất khẩu từ 10 - 15 tấn muối tre, doanh thu đạt từ 15 - 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, do dịch Covid-19 ở cả Việt Nam và Hàn Quốc nên việc xuất khẩu có lúc bị ngưng trệ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn; từ đầu năm đến nay chỉ mới xuất khẩu được 5 tấn hàng.
Tại Việt Nam, việc tiêu thụ sản phẩm muối tre Kosal còn nhỏ giọt, mỗi năm bình quân chỉ 1-2 tấn; chủ yếu tại các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị nhưng không đáng kể. Mới đây, cơ sở đã cho ra đời các sản phẩm từ muối tre: muối tre hành tây, muối tre lá sen, muối tre lá chanh... để phù hợp với việc chế biến món ăn của người Việt.
Khó khăn lớn nhất của cơ sở sản xuất muối tre này là đang thiếu vốn để cải tiến công nghệ. "Phía đối tác Hàn Quốc mong muốn chúng tôi sớm cải tiến công nghệ hiện đại, để sản xuất các sản phẩm mới, như muối tre gia vị hỗn hợp; cải tiến thời hạn sử dụng cũng như mẫu mã sản phẩm để cạnh tranh với các đơn vị sản xuất muối tre ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19; việc tiếp cận thị trường trong nước để phát triển thương hiệu, thu hút người tiêu dùng cũng còn nhiều khó khăn khi cơ chế xúc tiến quảng bá chưa được như mong muốn" - ông Hải bày tỏ.
Tốp 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Theo ông Hoàng Duy Hải, các nhà khoa học đã chứng minh muối tre, sau khi tinh chế, có chứa các khoáng chất phong phú, giá trị chất lượng cao, bảo đảm 100% tự nhiên, tốt, an toàn cho sức khỏe con người. Ngoài công dụng là gia vị nêm nếm thức ăn, giàu khoáng chất, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, muối tre còn dùng chữa trị nhiều chứng bệnh về hô hấp, tiêu hóa, đái tháo đường và viêm nhiễm...
Sản phẩm muối tre Kosal có giá trị kinh tế cao, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu, vươn ra thế giới; với ưu thế vượt trội, được Bộ Công Thương tôn vinh và trao chứng nhận là một trong 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020, UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
Bình luận (0)