Đất đai là vấn đề sống còn với người dân dù bất cứ thời đại nào, quốc gia nào. Động chạm đến nguồn tài nguyên này là động chạm đến quyền lợi thiết yếu nhất, nhạy cảm nhất, gai góc nhất. Vì những mục tiêu chung về kinh tế - xã hội thì chuyện thu hồi đất tất yếu xảy ra nhưng tìm được đồng thuận chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng. Nguyên do mọi thứ đều xuất phát từ việc phân chia lợi ích có được từ mảnh đất mang lại. Chính sách về đất đai không theo kịp thực tiễn và vai trò của người có quyền sử dụng đất không được đặt đúng tầm nên bây giờ phải đặt ra câu chuyện thỏa thuận với người dân. Muộn, rất muộn sau bao tranh chấp, khiếu kiện và mất công bằng gây bức xúc trong cả thời gian dài.
Cách làm đơn giản nhất và cũng nhẫn tâm nhất được không ít doanh nghiệp sử dụng là lợi dụng những kẽ hở của chính sách để thu hồi đất giá rẻ, bán lại giá cao bất chấp phản ứng của người dân. Người dân không thể không phản ứng bởi sinh kế bị mất, nguồn lợi của họ bị tước đoạt và cơ hội của họ bị nhà đầu tư chiếm mất. Trong câu chuyện này, nguyên tắc thỏa thuận đã bị bỏ qua.
Cũng trong bối cảnh này, tại sao nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà đất không cần thông qua các cơ quan chức năng vẫn có thể có đất để kinh doanh? Nhiều chủ doanh nghiệp nói thẳng: Mua bán sòng phẳng. Họ trả giá xứng đáng để mua lại quyền sử dụng đất của người dân để họ đủ tiền, đủ điều kiện tìm kế sinh nhai khác. Doanh nghiệp đầu tư nâng giá trị mảnh đất và bán giá cao hơn để kiếm lợi. Chẳng ai trách ai, chẳng ai bức xúc khiếu nại, thậm chí người bán còn cảm ơn người mua.
Không chỉ đất đai, muốn tránh đối đầu, tìm ra cách vận hành chính sách hợp lý nhất thì thỏa thuận là cơ chế phải được tôn trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Đây là nguyên tắc huy động sự đồng lòng của người dân trong quá trình xây dựng và phát triển của hầu hết các quốc gia. Thỏa thuận có thể là trực tiếp với người dân trong từng lĩnh vực, có thể thông qua những người đại diện nhằm bảo toàn lợi ích các bên và đạt hiệu quả cao nhất. Không có bộ máy nhà nước nào có thể giải quyết nổi những bất đồng từ dân chúng nếu áp dụng các chính sách điều hành áp đặt.
Từ chuyện nhỏ là việc dẹp vỉa hè nhếch nhác cho đến việc lớn là quy hoạch đất đai phát triển kinh tế, chấn chỉnh tình trạng khai thác tài nguyên vô tội vạ... phải đều qua cơ chế thỏa thuận để có sự đồng lòng của người dân.
Bình luận (0)