Phóng viên: Ngày 23-5 tới, toàn dân sẽ đi bầu cử Quốc hội (QH) khóa XV. Thưa đại biểu, ông kỳ vọng gì vào lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo QH, các thành viên Chính phủ, cũng như các đại biểu QH khóa mới?
- ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống kế thừa, phát huy những kết quả của nhiệm kỳ trước, rút ra những bài học kinh nghiệm, để khóa sau có thể làm tốt hơn, trọn vẹn hơn, đạt được những kết quả tốt hơn. Các thế hệ lãnh đạo đi trước luôn cảm thấy hạnh phúc với các thế hệ đi sau tiếp nối truyền thống đó. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng QH khóa XV cũng tiếp tục phát huy những điểm mạnh của QH khóa XIV, để xứng đáng đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân kỳ vọng Quốc hội khóa XV tiếp tục phát huy những điểm mạnh của Quốc hội khóa XIV, xứng đáng đại diện cho nguyện vọng và ý chí của cử tri Ảnh: NGUYỄN THẾ
Như ông đã từng nói, nhiệm kỳ 2016-2021, cả QH và Chính phủ đều đổi mới, năng động, hành động. Điều đó thể hiện qua vai trò của người đứng đầu là Chủ tịch QH và Thủ tướng Chính phủ. Ông kỳ vọng gì vào tân Chủ tịch QH và tân Thủ tướng trong nhiệm kỳ 2021-2026?
- Các vị lãnh đạo QH, lãnh đạo Chính phủ được thay thế, dự kiến thay thế chắc chắn những ngày qua đã lắng nghe tất cả tâm tư, gửi gắm của các đại biểu QH.
Tôi tin tưởng rằng các đồng chí đảm nhiệm những chức vụ này sẽ tiếp thu ý kiến để làm sao QH tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn nữa, hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của QH trước nhân dân theo đúng tinh thần Hiến pháp là cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; là nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
QH khóa mới phải làm tốt hơn nữa công tác lập pháp nhưng đồng thời cũng phải có cơ chế để đầu tư thỏa đáng, cả tiền bạc, con người cho công tác lập pháp, tránh xảy ra tình trạng một luật ban hành ra lại chồng chéo, đan xen, không đồng bộ, trong khi chúng ta phải tốn rất nhiều thời gian, tài chính cho việc đó.
Còn đối với Chính phủ, mục tiêu giai đoạn tới đặt ra hết sức cụ thể. Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD). Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người khoảng 7.000-8.000 USD). Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Với những mục tiêu đó, đòi hỏi phải tăng tốc, sớm khắc phục các tồn tại của mình. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII của Đảng) đã nhìn ra 8 hạn chế; báo cáo của Chính phủ cũng nhìn ra còn những hạn chế như: kết quả tái cơ cấu kinh tế chưa được như mong đợi; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn dở dang, nổi cộm là vấn đề xử lý 12 đại án; tái cơ cấu nền kinh tế và những bất cập trong quản lý nhà nước; văn hóa - xã hội, môi trường vẫn còn nhiều vấn đề... Vì vậy, tôi cho rằng cái gì trong khả năng của mình làm được ngay thì phải tập trung làm.
Cách đây 25 năm, quy mô GDP của chúng ta chỉ có 26 tỉ USD nhưng bây giờ là 343 tỉ USD, tăng 13 lần. Hay thu nhập bình quân đầu người của chúng ta cách đây 25 năm chỉ là 370 USD thì nay là 3.521 USD, cao gấp 9,8 lần. Rõ ràng đất nước đã có sự thay đổi rất lớn.
Vậy chúng ta phải làm thế nào để biến những thành tựu nêu trên thành năng lượng, động lực để đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, thưa đại biểu?
- Tôi cho rằng trong 3 đột phá chiến lược nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thì yếu tố quan trọng nhất là giáo dục, văn hóa nằm ở đột phá thứ hai. Bởi vì muốn chống tham nhũng thì chúng ta phải giáo dục nhân cách. Mà muốn giáo dục nhân cách thì phải giáo dục từ nhỏ. Chúng ta muốn có đội ngũ cán bộ dấn thân vì đất nước, sẵn sàng hy sinh vì đất nước thì phải giáo dục cho các cháu từ lúc nhỏ.
Chúng ta muốn đấu tranh với những tệ nạn xã hội, đấu tranh với những mặt trái của thị trường thì phải đầu tư cho văn hóa. Chúng ta nói thiếu những tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ nhưng nhìn lại đã đầu tư cho văn hóa như thế nào? Thực sự rất ít, chưa tương xứng.
Do đó, chúng ta phải quan tâm đến thế hệ trẻ, đến giáo dục và văn hóa nhiều hơn nữa. Phải cho trẻ biết yêu thương bản thân mình, yêu thương gia đình, yêu thương xã hội... Bên cạnh truyền thụ kiến thức, kỹ năng thì phải giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ từ tuổi lên 5, lên 3, để sau này có những con người tốt, cán bộ "sạch", giữ được sự liêm chính.
Ông mong muốn Thủ tướng Chính phủ mới sẽ đưa ra thông điệp, hành động gì để đạt được những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra?
- 35 năm đổi mới đã cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nói một câu rất ý nghĩa, đó là kết tinh sản phẩm của 35 năm đổi mới với nhiều thành tựu. Cho nên khóa tiếp theo này, chúng ta phải tiếp tục phát huy, triển khai thực hiện thì chắc chắn sẽ thành công.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ
Hôm nay, 5-4, Quốc hội (QH) bước vào tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 11 khóa XIV. Buổi sáng, QH bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, sau đó biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Ngay sau khi tuyên thệ, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để QH bầu Thủ tướng Chính phủ. Thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.
Chiều cùng ngày, QH bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp theo, Chủ tịch nước trình QH miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ QH trình QH miễn nhiệm một số ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm một số ủy ban của QH, Tổng Thư ký QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước và sau đó thảo luận tại đoàn về nội dung này. Việc miễn nhiệm sẽ diễn ra trong sáng 6-4.
Sáng 6-4, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để QH bầu Phó Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ QH trình danh sách đề cử để QH bầu một số ủy viên Ủy ban Thường vụ QH. Chiều cùng ngày, QH bầu Phó Chủ tịch nước, một số ủy viên Ủy ban Thường vụ QH bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sáng 7-4, QH bầu chủ nhiệm một số Ủy ban của QH, Tổng Thư ký QH, Tổng Kiểm toán Nhà nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Thủ tướng Chính phủ trình QH phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trình QH phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. Chủ tịch nước trình QH phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Chiều cùng ngày, QH phê chuẩn đề nghị việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín, sau đó thông qua nghị quyết.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ trình danh sách để QH phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Sáng 8-4, QH phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Chiều cùng ngày, QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn về danh sách một số Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. QH cũng sẽ phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, QH sẽ họp phiên bế mạc.
Bình luận (0)