Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, tổng lượng mưa tháng 5 ở hầu hết các tỉnh, thành Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), nhất là ở các địa phương thuộc khu vực miền Đông.
Cụ thể, trong 5 ngày đầu tháng 5, Nam Bộ có mưa rải rác đến nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to. Năm ngày tiếp theo có mưa rào và dông vài nơi đến rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn TBNN khá nhiều, trên toàn khu vực phổ biến từ 70-150 mm.
Từ ngày 11 đến 20-5, khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi đến rải rác, có nơi mưa vừa. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 24-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 34-36 độ C; tại miền Tây Nam Bộ từ 33-35 độ C. Lượng mưa trong giai đoạn này xấp xỉ và cao hơn TBNN, khoảng từ 50-120 mm.
Cũng theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá... trong những cơn mưa dông. Dự báo sẽ có từ 2-3 đợt mưa trên diện rộng với khả năng mưa vừa ở diện rải rác và một vài nơi có mưa to đến rất to. Đề phòng khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực biển Đông trong tuần cuối tháng.
Mưa lớn vào chiều 29-4 làm đường phố tại TP Cần Thơ ngập nặng, gây bất tiện cho người tham gia giao thông Ảnh: Ca Linh
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (SIWRR), trong tuần qua, mưa xuất hiện nhiều nơi trên vùng ĐBSCL với lượng mưa bình quân khoảng 20 mm. Có nơi mưa lớn với lượng mưa trên 80 mm như tại Cà Mau. Dự báo trong tuần này, vùng ĐBSCL tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với lượng mưa vào khoảng 70-80 mm. Trong tuần qua, TP Cần Thơ xuất hiện nhiều trận mưa lớn nên làm các tuyến đường trong nội ô quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn… bị ngập.
"Những trận mưa trái mùa do tình trạng La Nina bắt đầu từ năm ngoái đến nay. Vào giữa mùa khô, khi mưa làm một số đô thị như TP Cần Thơ, TP Vĩnh Long, TP Bạc Liêu ngập đường sá cục bộ, hoàn toàn không phải do thủy triều dâng lên mà do vấn đề tiêu thoát nước" - ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho biết. Ông chỉ ra khả năng thoát nước kém của đô thị do các nguyên nhân: Hệ thống cống chưa đủ năng lực thoát nước cho những trận mưa lớn trong thời gian ngắn; hệ thống kênh rạch nội ô vốn có bị lấn chiếm, san lấp, tắc nghẽn rất nhiều. Ngoài ra, tỉ lệ bê tông hóa của đô thị cao, nước mưa từ mái nhà đổ xuống mặt đất chảy tràn trên bê tông rồi đổ dồn vào đường sá. Từ đó, nước mưa đi xuống hệ thống cống, kênh rạch nhưng hệ thống kênh, rạch không còn nhiều, trong khi hệ thống cống thoát nước chưa đáp ứng.
Vì ĐBSCL hiện đang là mùa khô, không có thủy triều cao nên những trận ngập do mưa trái mùa chỉ kéo dài vài chục phút đến 1 giờ, gây một ít bất tiện nhưng chưa phải là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng khi ngập do mưa kết hợp thủy triều, nước sông dâng lên thì vấn đề nghiêm trọng hơn. ThS Nguyễn Hữu Thiện đề xuất giải pháp là tập trung vào năng lực thoát nước bằng nhiều cách như: Tăng cường khả năng tiêu thoát nước của hệ thống cống; trong quy hoạch của địa phương cần bố trí thêm mảng xanh để nước mưa có thể thấm xuống đất thay vì chảy tràn trên mặt bê tông gây ngập. Ngoài ra, cần phục hồi kênh, rạch nội ô vừa là cảnh quan, vừa phục vụ tiêu thoát nước. Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, san lấp, xả rác kênh mương trong nội ô, làm bít kênh rạch.
Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, đơn vị này đang làm chủ đầu tư xây dựng mới hệ thống thoát nước 30 con đường tại quận Ninh Kiều. Sau khi xây dựng, hệ thống thoát nước sẽ tăng năng lực thoát nước khi mưa lớn hoặc hạn chế ngập lụt khi triều cường.
Bình luận (0)