Mỗi khi ăn ly chè, chén xôi hay nhiều món truyền thống của Việt Nam khác, chúng ta vẫn bị thu hút hay ấn tượng bởi hương vị thơm ngát, dễ chịu. Thiếu vắng hương vị này thì giá trị các món ăn sẽ giảm đi rất nhiều - đó chính là vani. Vani tự nhiên chiết xuất từ lan vanilla thực sự là một sản phẩm đã và đang được tìm kiếm. Đây là loại gia vị đắt thứ hai trên thế giới sau nhụy hoa nghệ tây.
Phải đam mê, chịu khó
Tuy gọi là lan nhưng vanilla lại là loại cây vừa dùng chơi kiểng vừa làm hương liệu thực phẩm.
Có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ nên lan vanilla phù hợp với vùng nhiệt đới. Lan vanilla có thể chịu được khô hạn tối đa 3 tháng, cần lượng mưa tối thiểu 3.000 mm, ưa nền đất thấp; tỉ lệ nắng/bóng khoảng 50% là thích hợp cho cây phát triển.
Cây vanilla có thể nhân giống theo nhiều cách: cắt cành giâm hom, gieo hạt, nhân bản vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô. Mỗi phương pháp nhân giống đều có những ưu điểm riêng. Với phương pháp cắt cành, cây con sẽ nhanh lên, già nhanh và nhanh ra hoa. Còn với phương pháp nuôi cấy mô, có thể nhân ra số lượng cây trong thời gian ngắn, đáp ứng lượng giống lớn cho vùng chuyên canh.
Vườn trồng vanilla thường rộng rãi, khoảng cách giữa các cây là 2 m để dễ dàng đi lại chăm sóc và nhận ra khi chúng trổ hoa. Do đặc điểm là cây thân leo nên vanilla cần có trụ đỡ (thường là các cây gỗ hoặc trụ gạch). Điểm đặc biệt khi trồng vanilla là lúc cây trổ bông, hoa muốn đậu quả phải được thụ phấn bằng tay người. Đây là điều gây khó khăn cho người canh tác khi trồng loài cây này, cũng là hạn chế cho vanilla trong việc đậu quả khiến năng suất bị ảnh hưởng. Bởi vậy, khi trồng vanilla để phát triển kinh tế, chúng ta phải có niềm đam mê và chịu khó quan sát, cũng như chăm chỉ thụ phấn cho cây thì mới thu được thành quả tốt nhất.
Lan vanilla ra hoa vào đầu mùa khô, do bị kích thích bởi sự thiếu hụt nước. Hoa tạo thành cụm khoảng 15 bông, nở không quá 8 giờ và thụ phấn tốt nhất vào sáng sớm. Phương pháp phổ biến nhất để thụ phấn là lấy một cây tăm chọc vào bên cạnh hoa, nhấc rostellum (mỏ, cựa hoa) về phía trước và dùng tay kia ấn bao phấn vào nhụy.
Khi chín, quả vanilla ngả màu vàng. Lúc này là thời điểm có thể thu hoạch quả, phơi khô và chế biến thành hương liệu vani như chúng ta dùng hiện nay.
Quả lan vanilla tươi và khô Ảnh: Thanh Tùng
Mô hình trồng lan vanilla ở Việt NamẢnh: Thanh Tùng
Trồng thành công ở Việt Nam
Cũng do sự vất vả trong quá trình trồng vanilla nên rất ít nơi trồng loại cây hương liệu này. Ở Việt Nam hiện nay, mới có một số người tiếp cận và bắt đầu trồng vanilla nhằm thử nghiệm sự phát triển cũng như năng suất của cây.
Kỹ sư cơ khí Phạm Thái Vương Nam (phường Xuân Hòa, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là một trong những người đã tự tìm hiểu và trồng thành công vanilla với mô hình hệ sinh thái "Vani Farm Stay". Anh đã trồng vanilla với diện tích 500 m2 và đang mở rộng lên 2.000 - 3.000 m2, thu hoạch và tạo sản phẩm cho thị trường.
Anh Trần Minh Trung ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng trồng được 2 vườn vanilla xanh tốt với diện tích lên tới 8.000m2 đang chờ thu hoạch. Trung cho biết có thời điểm gia đình anh thu hoạch quả vanilla và bán được với giá 15 - 20 triệu đồng/kg tươi. Theo anh, nước ta có thế mạnh về khí hậu, đất đai, nông dân cần cù, chịu khó nên hoàn toàn có thể trồng được loại cây gia vị cao cấp này.
Chất lượng của quả vanilla trồng tại Việt Nam tương đương vanilla nhập khẩu. Việc trồng được vanilla tự nhiên tại chỗ sẽ làm lợi rất nhiều cho các nhà hàng 5 sao, các công ty chế biến bánh kẹo, sản xuất mỹ phẩm hay thực phẩm cao cấp... mà lâu nay vốn phải nhập khẩu loại hương liệu đắt đỏ này. Đây cũng là thị trường tiềm năng lớn để nông dân nắm lấy cơ hội phát triển loài cây có giá trị kinh tế cao này, vừa tạo thu nhập ổn định vừa đa dạng nền nông nghiệp của Việt Nam.
Sản phẩm vani có nhiều dạng: bột, đường, nước, tinh dầu..., tất cả đều qua quá trình chế biến và có giá vô cùng đắt đỏ. Giá bán quả vanilla hiện rất cao, 1 kg quả tươi khoảng 600 USD.
Sở dĩ quả vanilla có giá cao như vậy là bởi trong tự nhiên, chỉ ở vùng Mexico mới có một loại ong có thể thụ phấn được cho loại cây này.
Bình luận (0)