Những con số mà Tổng cục Thuế đưa ra khiến nhiều người giật mình. Đó là số hộ có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế lên tới 581.700. Số liệu khác cũng cho thấy hộ kinh doanh đang có những đóng góp lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, chiếm tỉ trọng tới trên 30% GDP cả nước (niên giám thống kê năm 2017). Tuy nhiên, số thu từ thuế hộ kinh doanh lại chiếm rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước, cũng theo số liệu cùng năm 2017, chỉ đạt 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước không kể dầu thô. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đang thất thu không nhỏ trong bối cảnh ngân sách có nhiều khó khăn.
Chính vì thế, Tổng cục Thuế yêu cầu các địa phương phải mạnh tay siết quản lý thuế đối với hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế. Thậm chí, phải thường xuyên rà soát để bảo đảm có dữ liệu giải trình ngay khi có yêu cầu với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như: xe ôm, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc vỉa hè, hộ kinh doanh tại các địa điểm tự phát, không được cấp phép hoạt động như chợ tạm, chợ cóc, xóm, làng, thôn, bản... Tóm lại, cần phải đưa cả xe "ôm", quán cóc vỉa hè vào "tầm ngắm" của cơ quan thuế.
Bởi vậy, dù việc siết quản lý thuế nhằm chống thất thu và tăng nguồn thu là cần thiết song lại đặt ra tính khả thi. Đó là chưa kể tới những tranh cãi có thể có nếu tiến hành đánh thuế xe ôm hay người bán trà đá vỉa hè. Biết thất thu thuế không nhỏ từ khu vực hộ kinh doanh nhưng thu được thuế từ đây không dễ, nếu không muốn nói là vô vàn khó khăn. Lợi dụng các kẽ hở từ những bất cập trong khung pháp luật, hộ kinh doanh tìm mọi cách để có thể gian lận hay trốn thuế.
Việc để xảy ra gian lận và trốn thuế của các hộ gia đình có phần trách nhiệm không nhỏ của ngành thuế. Dư luận từng đề cập tình trạng "nắm người có tóc, không nắm kẻ trọc đầu" trong thu thuế. Mới đây, trong thảo luận tại Quốc hội tháng 11 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước từng nêu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa qua, thất thu thuế tới 94% so với số đối chiếu. Với doanh nghiệp có trụ sở, con dấu đàng hoàng mà còn thất thu thuế thì liệu có thu được thuế từ hộ kinh doanh?
Hơn 1 năm trước, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, "tư lệnh" ngành tài chính nêu con số cũng giật mình là khảo sát của Tổng cục Thuế cho thấy 63% hộ kinh doanh cho biết có "đi đêm" với cán bộ thuế trong năm 2015, con số này có giảm nhưng vẫn còn tới 31% năm 2016.
Khi nguồn thu ngân sách từ dầu thô, tài nguyên thiên nhiên ngày càng giảm thì rất cần chống thất thu thuế hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nếu quản lý và thu đúng, thu đủ thuế hộ kinh doanh, với tỉ trọng tạo ra thu nhập tới hơn 30% GDP, là một nguồn thu ngân sách lớn. Thế nhưng, có nắm được những "người không tóc" này hay không thì phần quyết định thuộc về ngành thuế.
Và quan trọng không kém, việc thu thuế từ những anh chạy xe ôm, chị bán trà đá vỉa hè có đáng hay không khi thất thu thuế từ "những người có tóc" còn rất lớn.
Bình luận (0)