Nhóm 1: Về phân cấp, phân quyền cho TP HCM
TP HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP và các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định 93/2001 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP HCM trong quý II/2021.
Một góc Khu Công nghệ cao TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện nay, một số nội dung trong Nghị định 93 không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của TP.
Nhóm 2: Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội
TP HCM có 4 kiến nghị:
Thứ nhất, TP HCM kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì hoàn chỉnh đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM; trình các cấp có thẩm quyền thông qua đề án trong năm 2021.
Cụ thể, điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 là 23% thay vì 18% như hiện nay.
Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp (DN) nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025 và đề án cơ cấu lại DN nhà nước giai đoạn 2021-2025 để địa phương có cơ sở thực hiện.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.
Thứ tư, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập một DN 100% vốn nhà nước thuộc TP để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên khi các DN nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa. Phương án thứ hai là chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục DN nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025.
Nhóm 3: Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
TP HCM kiến nghị chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư TP có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TP là 261.967 tỉ đồng.
Nhóm 4: Các kiến nghị liên quan đến TP Thủ Đức
Trong đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp TP HCM xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức theo Nghị quyết số 131 và Nghị quyết số 1111, trình Chính phủ trong quý II/2021. Kiến nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu...
Nhóm 5: Về quản lý đô thị
TP HCM có 6 kiến nghị. Trong đó, đáng chú ý có kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết ủy quyền cho UBND TP HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TP HCM tại một số khu vực như xung quanh nhà ga metro theo mô hình TOD, một số khu vực dự án và các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp thiết, sau đó cập nhật vào quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.
Về dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP…
Kiến nghị cho phép UBND TP HCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định 99/2015 của Chính phủ.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án; cho phép TP lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ (cấp B, C, D) theo hình thức chỉnh trang đô thị.
Bình luận (0)