Tỉnh Bình Thuận đang gồng mình để chống chọi với mùa hạn hán khắc nghiệt nhất trong 10 năm trở lại đây. Các hồ chứa tại địa phương này hiện chỉ còn 6% lượng nước theo thiết kế. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra khắp nơi, cây trồng chết khô.
Cầu cứu... thủy điện
Gần nửa năm qua, tỉnh Bình Thuận hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài đã khiến gần 15.000 ha đất canh tác buộc phải cắt giảm sản xuất, trên 25.000 hộ dân với gần 93.000 khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều nơi, người dân phải mua nước từ nơi khác với giá từ 80.000 - 120.000 đồng/m3. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã ngưng cấp nước cho nông nghiệp, chỉ ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận, cho biết đợt hạn năm nay khắc nghiệt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Toàn tỉnh chỉ còn 13 triệu m³ nước - tương đương với 6% lượng nước theo thiết kế, chủ yếu tập trung ở hồ Sông Quao cùng một vài hồ chứa nhỏ, các giếng đào, giếng khoan của người dân. Riêng hệ thống thủy điện Đại Ninh cũng còn chỉ 19 triệu m³ nước, chiếm khoảng 7% dung tích thiết kế. Đầu tháng 5 vừa qua, Bình Thuận đã công bố hạn cấp độ 2 và thực tế hiện nay đang ở cấp độ 3. Ngày 8-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận có công văn gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đề nghị tăng lượng nước xả của thủy điện từ 15,12 triệu m³ lên 17,92 triệu m³ để duy trì sự sống cho 13.000 ha thanh long. Đối với nước sinh hoạt, ưu tiên hiện nay của tỉnh Bình Thuận là dành nước cho những khu vực trọng yếu, đặc biệt là TP Phan Thiết đến ngày 30-6.
Theo phương án phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2020, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong các tháng tới, nếu không xuất hiện mưa trên địa bàn, toàn tỉnh sẽ có gần 26.000 hộ dân với hơn 100.000 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Dự kiến vụ hè thu năm nay sẽ có hơn 14.500 ha lúa phải tạm ngưng sản xuất để tập trung nguồn nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp.
Tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum, tình trạng khô hạn cũng kéo dài nhiều tháng qua. Lưu lượng nước trên các dòng suối giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều con suối chỉ còn trơ lại cát, đá. Nhiều công trình nước sạch hằng ngày phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trước đây vốn tràn trề nhưng nay không đủ để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Những giếng khoan sâu đến 160 m mọi năm còn chút ít cho sinh hoạt nay cũng kiệt quệ. Những con suối cạn giờ cũng bị người dân đào bới sâu, chờ lắng nước đục để múc từng chai về nấu ăn.
Người dân ở tỉnh Gia Lai phải vét đáy suối, đong từng chai nước về nấu ăn. Ảnh: HOÀNG THANH
Khẩn cấp tìm nguồn nước
Trước tình trạng khô hạn nghiêm trọng, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo triển khai các công trình chống hạn cấp bách, như kéo các đoạn kênh mương đang dang dở để hoàn thành các thủ tục để triển khai cấp cho dân. Đặc biệt là các địa phương đang rà soát các khu vực thiếu nước sinh hoạt để mua nước cấp cho người dân hoặc hỗ trợ để có nước sinh hoạt. "Chúng tôi cũng tiếp tục rà soát các công trình thủy lợi để tu sửa, nạo vét cho nhu cầu trước mắt cũng như chuẩn bị cho giải pháp những năm đến. Và tỉnh cũng đã kiến nghị trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư cho công trình thủy lợi cũng như các công trình nước sạch trong những năm tới" - ông Nguyễn Hữu Phước cho biết.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt 2 phương án phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 88,6 tỉ đồng. UBND tỉnh đã giao các địa phương lên phương án, sẵn sàng thực hiện nhằm cấp nước sinh hoạt cho người dân như: tổ chức mua và vận chuyển nước cho người dân trên đảo, vùng thiếu nước; khoan thêm 20 giếng nước tại các thôn dự kiến thiếu nước; xây 30 bể chứa để cung cấp nước sinh hoạt; mua túi bạt chứa loại lớn để tích trữ nước...
Để đối phó với tình trạng khô hạn, mới đây, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã yêu cầu khẩn trương hoàn thành dự án đầu tư xây dựng công trình đấu nối, mở rộng hệ thống cấp nước Phước Đại - Phước Thành (huyện Bác Ái); hệ thống cấp nước thôn Tà Nôi (huyện Ninh Sơn); dự án đấu nối đường ống cấp nước Phước Trung cấp nước cho thôn Suối Le, xã Phước Kháng (huyện Thuận Bắc) để bảo đảm điều kiện cấp nước cho một số vùng đang khan hiếm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn 2 huyện Bác Ái và Thuận Bắc.
"ATM nước sạch"
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), cho biết huyện đang triển khai mô hình ATM nước tại các xã thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại các điểm ATM này, hằng ngày UBND xã bơm nước vào bồn chứa để cung cấp cho người dân. Mô hình đang triển khai hiệu quả với khoảng 15 điểm. UBND huyện đang kiến nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ cho địa phương hơn 4,2 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư các công trình chống hạn trên địa bàn.
Bình luận (0)