xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng cao giá trị cà phê Việt

Nguyễn Quang Bình

Trong 5 hạt cà phê mỗi người đang dùng trên thế giới, có 1 hạt cà phê Việt Nam

Trong những ngày này, cộng đồng những người làm cà phê Việt Nam, gồm hàng trăm ngàn hộ nông dân, những nhà chế biến và kinh doanh cà phê - thường được người dân Tây Nguyên xưng tụng là ‘’vàng nâu’’ - đang bước vào tuần Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Những bước nhảy vọt

Ở đất nước thuần nông châu Á, nơi mà từ người dân đến vua quan đều đã quen sử dụng chè (trà), ít ai dám tin rằng chỉ trong vòng hơn 160 năm, Việt Nam đã trở thành một trong vài nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.

Chính sách đổi mới và mở cửa kinh tế năm 1986 thực sự là một cú hích kích thích nông dân đầu tư sản xuất. Những khu rừng cà phê bạt ngàn ở Tây Nguyên cũng xuất hiện từ đó. Không bao lâu sau, những hạt cà phê Việt Nam bắt đầu len lỏi vào thị trường thế giới. Nhưng lúc ấy, mặt hàng cà phê 100% dưới dạng nguyên liệu cũng chỉ bán qua tay các công ty trung gian trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan... Cho đến khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam vào năm 1994, cả thế giới ngỡ ngàng và không tin Việt Nam có thể xuất khẩu cà phê.

Năm 2000, sản lượng cà phê Việt Nam đạt chừng 900.000 tấn thì đến năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu xấp xỉ 1,13 triệu tấn và đến năm 2018, xuất khẩu gần 1,9 triệu tấn với tổng kim ngạch 3,5 tỉ USD. Với tốc độ tăng trưởng được cho là ‘’bùng nổ’’, cà phê Việt Nam nhanh chóng giành các ngôi thứ 4, thứ 3 và soán luôn ngôi thứ 2 của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn lúc đó từ tay Bờ Biển Ngà, Indonesia, rồi Colombia. Dù đứng thứ 2 nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu số 1 thế giới về cà phê Robusta (vối).

Hạt cà phê Việt Nam đến nay đã cập bến trên 50 nước và vùng lãnh thổ, cả các nước tiêu thụ lẫn các nước sản xuất cà phê, chiếm khoảng 20% thị phần cà phê thế giới, tức trong một tách cà phê người dùng trên thế giới thưởng thức có 1/5 là "Made in Vietnam" (sản xuất tại Việt Nam).

Nâng cao giá trị cà phê Việt - Ảnh 1.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu số 1 thế giới về cà phê Robusta (vối). Ảnh: CAO NGUYÊN

Thăng trầm hạt cà phê

Tìm được thị trường cho trên 1,5 triệu tấn mỗi năm chỉ trong vòng 30 năm gần như từ số 0 đó là một kỳ tích của ngành cà phê Việt Nam. Dĩ nhiên, con đường từ vườn đến thị trường thế giới không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái".

Nông dân làm cà phê trong nước đã từng khốn đốn bởi có lúc "giá một ký cà phê không bằng một cân cà pháo’’ như họ đã so sánh giá thị trường nội địa tại thời điểm năm 2000 khi giá cà phê chỉ còn 4.500 đồng/kg. Tuy nhiên, họ vẫn kiên trì "sống chết" với cây cà phê để đến niên vụ 2010-2011, họ được đền trả với mức 53.000 đồng/kg. Từ thời điểm đó, thị trường cà phê Việt Nam và thế giới trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng gượng lại được đỉnh cũ nhưng chỉ chạm mức 47.700 đồng/kg vào tháng 3-2017 để đến nay, giá còn từ 33.000-34.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn cho rằng mức giá ấy đang tiệm cận với giá thành sản xuất. Thị trường thế giới càng phức tạp vì cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, dự kiến sản lượng năm nay phải đạt trên 3,6 triệu tấn, lớn gấp đôi sản lượng cà phê Việt Nam. Thật vậy, khi thấy giá trên sàn kỳ hạn cà phê Robusta London - được các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam sử dụng để tham chiếu - tăng mạnh trên 2.600 USD/tấn (năm 2011), nhiều nước đã tranh thủ trồng mới và thực hiện chương trình tái canh, hệ quả là cung vượt cầu, giá giảm. Giá sàn kỳ hạn này đến nay (tính đến ngày 8-3) còn quanh mức 1.500 USD/tấn.

Tuy vậy, hạt cà phê Việt Nam với đầy đủ uy tín và uy lực của một nước xuất khẩu lớn vẫn đến tay bạn hàng Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Nam Phi, Ecuador... kể cả Nhật Bản, nước nhập khẩu kỹ tính nhất về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bồi đắp thương hiệu

Từ 10 năm nay, nông dân và rất nhiều doanh nghiệp cà phê cùng gắn bó để tạo nên một nền cà phê bền vững. "Trước đây, Việt Nam được tiếng là nguồn cung ứng cà phê dồi dào về số lượng thì nay là giai đoạn ý thức lại mình, tập trung vào chất lượng’’ - ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty 2 Tháng 9 (tỉnh Đắk Lắk), cho biết.

Một phong trào rầm rộ của những người trẻ tiên phong đang quyết "làm nên chuyện’’ cho hạt cà phê Việt Nam đã xuất hiện. Họ đi nước ngoài, cùng học tập kinh nghiệm trong nước để tìm cho ra hương vị đặc trưng của hạt cà phê từng vùng, từng vườn. Họ liên kết với nhiều hộ nông dân nâng vị trí hạt cà phê Việt Nam để cho thế giới biết rằng không chỉ có số lượng lớn, cà phê Việt Nam còn thơm ngon, đậm bản sắc riêng.

Bên cạnh những chuỗi quán cà phê tên tuổi như: Trung Nguyên, Highlands Coffee, rồi K Coffee, Azzan... còn có sự xuất hiện của thương hiệu cà phê rang xay khác như: Intimex TP HCM, V’Ori, Kim Ly, Thanh Hương… Một "con đường cà phê’’ đang hình thành. Đó chính là chuỗi nỗ lực tìm lại chính mình, tức đánh thức chất lượng vốn có của hạt cà phê Việt Nam của các quán trẻ, bạn trẻ yêu nghề cà phê như: các chủ (chuỗi) quán L’Amant (Gia Lai), Populus và Soul Specialty Coffee (Đắk Lắk), Bazan (Đắk Nông), The Married Beans (Lâm Đồng), Shin Coffee và Coffee House (TP HCM)… Đó là nơi tập trung những bạn trẻ tâm huyết vì chất lượng cà phê, tìm đúng ý nghĩa châm ngôn họ tự đưa ra "Từ vườn đến tách" (From Farm To Cup).

Đó là cuộc chinh phục lại chính mình, cho danh tiếng của hạt cà phê Việt Nam. Trong cuộc đời mỗi cá nhân, khi một người đi tìm lại chính mình, điều đó chứng tỏ họ đạt đến một bước trưởng thành. Hạt cà phê Việt Nam có khác gì đời sống con người, tìm lại cái giá trị vốn có của nó, đó không phải là trưởng thành sao?

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê 2019, một cuộc thi nếm chọn những mẫu cà phê từng vùng miền đặc sắc, ngon nhất theo thang điểm đánh giá của thế giới. Năm vị giám khảo quốc tế từ các nước tiêu thụ và sản xuất sẽ chọn 5 trong 42 mẫu tham dự.

. Ông PHẠM S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng:

Hỗ trợ tối đa tái canh cây cà phê

Tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ từ 50%- 70% vốn, giống và công chăm sóc đối với người dân tái canh cây cà phê, riêng đồng bào dân tộc thiểu số thì hỗ trợ 100%. Ngoài ra, Hội Người sản xuất cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng được thành lập nhằm điều phối các hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê với quy mô lớn, đại diện cho tiếng nói của nông dân, đề xuất các chính sách hỗ trợ thiết thực, phản biện chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích của nông dân khi tham gia vào thị trường, thu hút và tiếp nhận các chương trình, dự án hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực, phát triển thể chế, tín dụng, thị trường.

. Ông TRƯƠNG THANH TÙNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông:

Phát triển thương hiệu

Chất lượng cà phê Đắk Nông rất tốt, đặc biệt là cà phê Đắk Mil - đã được công nhận chỉ dẫn địa lý. Các chuyên gia thử nếm đánh giá cà phê Đắk Mil là một trong những nơi ngon nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong tỉnh không có những doanh nghiệp, tập đoàn cà phê lớn nên thương hiệu cà phê Đắk Mil chưa được khai thác hiệu quả. Hiện nay, ngoài việc mở rộng diện tích cà phê chứng nhận, sạch, hữu cơ, tỉnh cũng đang kêu gọi các tập đoàn chung tay xây dựng thương hiệu cà phê Đắk Mil nói riêng, cà phê Đắk Nông nói chung nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê.

. Ông TRỊNH ĐỨC MINH, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột:

Nâng giá trị chỉ dẫn địa lý

Cà phê đặc sản được giới sành cà phê xem là một nghệ thuật ẩm thực bởi nó đặc biệt từ khâu sản xuất cho đến khâu pha chế. Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Thị trường cà phê đặc sản chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê thế giới. Cộng đồng cà phê tại Việt Nam nên xem xét việc gắn nhiệm vụ phát triển cà phê đặc sản với một tổ chức đã có hoặc thành lập một hiệp hội cà phê đặc sản mới. Nhà nước hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để tạo ra giống và các quy trình công nghệ phù hợp hơn cho việc sản xuất cà phê đặc sản.

Ông NGUYỄN HUỲNH PHÚ LÂM, Giám đốc Công ty CP Cà phê Classic (tỉnh Gia Lai):

Tạo chuỗi liên kết

Cây cà phê ở Tây Nguyên là loại cây chủ lực của vùng do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây rất phù hợp để cây phát triển tốt. Ngoài ra, cà phê có nhiều "tín đồ" trên khắp cả thế giới nên đây là loài cây có tính bền vững cao khi người dân đầu tư.

Chủ lực xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay là Robusta. Tuy nhiên, giống cà phê này không phải là nhu cầu cao của thế giới. Muốn tiếp cận ra thế giới hơn cần thay đổi sang các giống cà phê mới thích hợp như Arabica và trồng theo phương pháp hữu cơ. Nhà nước định hướng, kết nối nông dân và doanh nghiệp để tạo ra hạt cà phê chất lượng tiếp cận thế giới. Doanh nghiệp cũng cần chia sẻ kiến thức, vốn để nông dân chuyển đổi cách thức canh tác, tạo thành chuỗi liên kết bền vững.

C.Nguyên - Đ.Thi - Hg.Thanh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo