xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Văn Duẩn - Minh Chiến

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các "đầu tàu" dẫn dắt sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sáng 5-1, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XV, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hình thành 2 vùng động lực

Trong tờ trình, Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5% - 7,5%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.

Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70% - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (chỉ số HDI từ 0,8 trở lên); đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Trong đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8% - 8,5%/năm, vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD.

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung hình thành 2 vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với 2 cực tăng trưởng là thủ đô Hà Nội và TP HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP HCM - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước. Cơ bản hình thành mạng lưới đô thị quốc gia, bảo đảm tính kết nối cao giữa đô thị trung tâm cấp quốc gia với các đô thị vùng và khu vực nông thôn; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, phấn đấu từ 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.

Về xã hội, quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì ở mức cao (trên 0,7). Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Nâng cao chất lượng việc làm, giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức hợp lý. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị tối thiểu 32 m2. Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỉ lệ sinh viên đại học đạt con số 260 trên 1 vạn dân.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% - 40%. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV Ảnh: PHẠM THẮNG

4 cực tăng trưởng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Cụ thể: Vùng động lực phía Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; vùng động lực phía Nam: TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu; vùng động lực miền Trung: khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long.

Các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).

Trong đó, vùng động lực phía Nam, trên cơ sở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay, hình thành vùng động lực bao gồm TP HCM và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ (QL) 22, QL13, QL1, QL51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP HCM là cực tăng trưởng.

Đến năm 2030, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây. Trong đó, các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn này gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam: Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL1; đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao…) và phát triển 2 hành lang kinh tế: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP HCM - Vũng Tàu.

Trong dài hạn, hình thành hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ) và 6 hành lang kinh tế Đông - Tây gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Vùng Đông Nam Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 8% - 8,5%/năm; thành vùng phát triển năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển qua hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối TP HCM với các địa phương trong và ngoài vùng, đường vành đai 3, 4 - TP HCM. Xây dựng các tuyến đường sắt điện khí hóa kết nối trung tâm đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế cửa ngõ. Xây dựng, đưa vào khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Cùng với đó, xây dựng, phát triển thủ đô Hà Nội, TP HCM và các thành phố trực thuộc trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Xây dựng hệ thống đô thị vùng Hà Nội và hệ thống đô thị vùng TP HCM.

Hôm nay (6-1), QH thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch COVID-19... 

Ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng

2-Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Ông Trần Hồng Hà (trái) và ông Trần Lưu Quang

Chiều 5-1, với 481/481 đại biểu (ĐB) tham gia biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Ông Trần Hồng Hà sinh ngày 19-4-1963, quê Hà Tĩnh. ĐBQH khóa XIV. Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Tổ chức, Khai thác khoáng sản.

Trước đó, ông Trần Hồng Hà công tác và giữ nhiều chức vụ ở Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (sau đổi tên là Bộ TN-MT); từ tháng 1-2011 đến tháng 1-2016: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Thứ trưởng Bộ TN-MT; từ tháng 1 đến tháng 4-2016: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Thứ trưởng Bộ TN-MT; từ tháng 4-2016 đến tháng 1-2021: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; từ tháng 1-2021 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TN-MT.

Ông Trần Lưu Quang sinh ngày 30-8-1967, quê Tây Ninh; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; Bí thư Thành ủy Hải Phòng (từ tháng 4-2021), Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng khóa XV; ĐBQH khóa XIV, XV; trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Quản lý công, kỹ sư cơ khí.

Trước đó, ông Trần Lưu Quang tham gia công tác và giữ nhiều chức vụ ở tỉnh Tây Ninh. Tại Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tháng 1-2016: ông Trần Lưu Quang được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng. Từ tháng 2-2019 đến tháng 4-2021: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; tại Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 1-2021, ông Trần Lưu Quang được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng; từ tháng 4-2021 đến tháng 6-2021: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhiệm kỳ 2020 - 2025; từ tháng 7-2021: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; ĐBQH khóa XV và Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng.

Như vậy, hiện nay Chính phủ có Thủ tướng Phạm Minh Chính và 4 Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang.

Cùng ngày, với đa số ĐBQH có mặt tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam theo nguyện vọng cá nhân. QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm ĐBQH khóa XV với ông Phạm Bình Minh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và ông Lê Minh Chuẩn (tỉnh Quảng Ninh), với 483/486 ĐBQH có mặt, chiếm 96,99% tổng số ĐBQH tán thành.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại

Theo tờ trình của Chính phủ, đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trước mắt, triển khai đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM. Nghiên cứu xây dựng đường sắt nối TP HCM - Cần Thơ, đường sắt kết nối Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP HCM), Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; tập trung mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối: Nội Bài, Tân Sơn Nhất; mở rộng các cảng hàng không quốc tế gắn với các vùng động lực như Vân Đồn, Cát Bi, Chu Lai, Cam Ranh, Cần Thơ, Phú Quốc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo