Quảng Ninh có hơn 132 km đường biên giới trên đất liền và 250 km bờ biển, có biên giới quốc gia và hải phận giáp Trung Quốc - nơi khởi phát đại dịch Covid-19, nên khỏi phải nói cũng thấy "cuộc chiến" chống dịch bệnh ở tỉnh này là rất khó khăn.
Thế nhưng, ngay trên địa bàn Quảng Ninh, các đơn vị khai thác mỏ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn có kết quả sản xuất rất cao. Cộng với khả năng chèo chống của TKV nên tập đoàn này vẫn đạt kết quả sản xuất, kinh doanh rất ấn tượng. Cụ thể, đến hết tháng 7-2021, doanh thu toàn tập đoàn đạt trên 74.000 tỉ đồng, đạt 60% kế hoạch năm, nộp ngân sách 9.600 tỉ đồng.
Cũng ở Quảng Ninh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã có mức tăng trưởng 34,7% so cùng kỳ năm ngoái, là nguồn bù đắp một phần sụt giảm của các ngành khác do ảnh hưởng của đại dịch.
Những con số nêu trên là rất ấn tượng trong bối cảnh cả nước thực hiện "mục tiêu kép".
Trong khi đó, dù dự kiến đến ngày 15-9 mới kết thúc thu hoạch vụ hè thu 2021 ở vựa lúa ĐBSCL nhưng với 702.000 ha đã thu hoạch đến thời điểm này (sản lượng khoảng 4.059 ngàn tấn), tình hình thu mua lúa gạo đã thấy có những khó khăn. Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sản lượng thu mua sụt giảm 20%-30% so với cùng kỳ năm trước. Lý do sụt giảm thì nhiều nhưng có cả việc do di chuyển thu mua giữa các địa phương gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp ngưng mua lúa; nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện "3 tại chỗ"; hệ thống sấy lúa, nhà máy xay xát, ghe thuyền không hoạt động được do phải có test nhanh Covid-19...
Đứt gãy trong chuỗi cung ứng thì hệ quả kéo theo là giá thu mua lúa gạo sẽ giảm, thậm chí giảm sâu, nếu không giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. Điều này là có thể dự báo luôn từ bây giờ.
Nhân nói chuyện đầu ra của lúa gạo lại nhớ đến chuyện làm ăn với thị trường châu Âu. Sự kiện rất đáng nhớ của tháng 8 này là cách đây 1 năm, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, được đánh giá là "mang đến những trái ngọt trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU".
Từ nửa cuối năm 2020 đến đầu năm nay, các nước EU chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19 nên thị trường này với các doanh nghiệp Việt Nam cũng muôn vàn trở ngại. Dù vậy, Tổng cục Hải quan cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn đạt 27,67 tỉ USD (tăng 18,4% so cùng kỳ năm 2020).
Vậy 6 tháng cuối năm 2021 sẽ thế nào khi nhiều khu vực của thị trường EU đã báo "sáng" trở lại. Tất cả đều dựa vào sự năng động của chúng ta. Muốn có hàng hóa để xuất khẩu thì từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, lưu thông phải liền mạch.
Dịch Covid-19 nhiều khả năng còn kéo dài. Nếu không năng động tìm cách vượt khó, thậm chí vẫn giữ tư duy còn dịch là còn ách tắc, thì sẽ còn khó mãi.
Bình luận (0)