Năm nay 26 tuổi nhưng cô giáo Võ Đắc Bảo Trân (ngụ phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã được nhiều người biết đến với tấm lòng yêu thương đặc biệt đối với trẻ mắc chứng tự kỷ, Down. Với cô, mỗi lần các cháu nói được 1 từ mới, thuộc được 1 chữ cái là cả một niềm vui to lớn, là động lực để cô tiếp tục theo nghề.
Vượt qua gian khó
Học ngành sư phạm tiểu học, thời sinh viên, cô Trân ước mơ khi ra trường sẽ được đi dạy theo đúng chuyên môn của mình. Năm 2013, sau khi ra trường, tình cờ cô được một người bạn giới thiệu vào làm việc tại một trung tâm chuyên tiếp nhận trẻ bị tự kỷ, Down, chậm phát triển…
Nhớ lại những ngày đầu tiếp xúc những đứa trẻ đặc biệt ấy, cô Trân vẫn chưa hết ngỡ ngàng, lo ngại. "Nhiều trẻ bỗng nhiên tụt quần ra rồi la hét, gào khóc vô cớ. Nhiều cháu trèo leo, cắn xé bạn một cách vô thức. Thậm chí, có trẻ sau khi đi vệ sinh thì bôi trét khắp người. Có cháu không thể nói hay nhận thức được cha mẹ mình là ai; có cháu khi ai đến dỗ dành thì giãy giụa, đập đầu xuống nền nhà..." - cô nhớ lại.
Chứng kiến những cảnh tượng đó, không ít lần cô giáo trẻ đã bật khóc, muốn từ bỏ công việc. Sau nhiều đêm trằn trọc, nghĩ đến sự bất lực, vất vả của phụ huynh, hình ảnh những đứa trẻ đáng thương chập chờn trong giấc ngủ, cô đã tự động viên mình phải cố gắng vượt qua.
Một kế hoạch, phương pháp dạy những trẻ thiếu may mắn được cô Trân vạch ra bằng kinh nghiệm của đồng nghiệp và sự tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu, sách vở về trẻ tự kỷ, Down trên mạng. Cô Trân bắt đầu thực hiện kế hoạch này với những câu hỏi cụ thể với phụ huynh về tình trạng của từng cháu. Để chắc chắn hơn, cô tiếp tục tiến hành những bài test để tìm hiểu về từng chứng bệnh, mức độ nặng nhẹ của từng trẻ nhằm đưa ra phương pháp dạy phù hợp, hiệu quả.
"Mỗi ngày, tôi đều chia thời gian cụ thể để dạy cho từng trẻ từ cách đi đứng, chào hỏi, ăn uống, cầm nắm đồ vật, làm quen với mọi thứ xung quanh và dạy các cháu có trách nhiệm hơn trong từng lời nói, hành động. Bên cạnh đó, sau mỗi tháng, mỗi quý, tôi đều đánh giá về sự tiến bộ, thay đổi của trẻ để thay đổi cách dạy phù hợp hơn" - cô cho biết.
Dạy ở trung tâm được khoảng 4 năm nhưng cô Trâm vẫn không được vào biên chế, không được đóng bảo hiểm, tiền lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Vì thế, cô xin nghỉ để tìm một công việc khác. Thế nhưng, tình yêu thương đối với trẻ em thiếu may mắn đã ngấm sâu trong máu nên cô lại tìm tới Trường Mầm non tư thục Thiên Nga ở TP Buôn Ma Thuột - nơi có lớp trẻ mắc các chứng tự kỷ, Down.
Cô Trân bày tỏ: "Đối với trẻ bị tự kỷ, Down, phương pháp dạy là điều quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là làm sao để các cháu tin yêu. Người dạy phải có tình yêu thương chân thành để thuyết phục, gần gũi trẻ. Mỗi khi trẻ gào khóc, la hét hay giận giữ, phải tới ôm ấp vỗ về để các cháu cảm nhận được tình yêu thương đó mà dần thay đổi hành vi".
Cô Võ Đắc Bảo Trân luôn dành tình cảm đặc biệt cho trẻ tự kỷ
Mỗi trẻ mắc một chứng khác nhau nên cô Trân phải đưa ra những phương pháp dạy dỗ phù hợp
Niềm vui góp nhặt
Sự kiên trì vượt qua trở ngại và tình yêu thương của cô Trân cùng đồng nghiệp đã được đền đáp bằng sự tiến bộ của trẻ và niềm vui của phụ huynh. Nhiều trẻ tự kỷ, Down từ chỗ không làm chủ được hành vi nay đã biết chào hỏi, lễ phép với người lớn. Nhiều trẻ không thể phát ra âm thanh nay đã nói, đọc chữ thông thạo…
Anh Nguyễn Hữu B., cha của một trẻ mắc chứng tự kỷ, tâm sự khi con trai lên 3, anh đã biết cháu không bình thường nên đã tìm tòi phương pháp dạy dỗ, chăm sóc. Tuy nhiên, suốt 2 năm, khi lên 5 tuổi, con trai anh vẫn không thể nói được câu nào. Cảm thấy bất lực nên dù nhà ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, anh phải đưa con đến TP Buôn Ma Thuột gửi vào lớp trẻ đặc biệt.
"Chỉ 2 tháng sau, vừa được cô Trân dạy ở trường vừa kèm cặp tại nhà, con tôi đã cất tiếng "ba" đầu tiên trong sự vui sướng đến rơi nước mắt của gia đình. Nhiều khi chỉ 1 từ nhưng cô Trân phải nói đi nói lại cả ngàn lần, cong cả lưỡi thì con tôi mới nói theo được. Nay con trai tôi không chỉ nói thông thạo, đọc chữ không cần phải đánh vần mà còn được đánh giá là viết đẹp nhất khối học, hòa nhập tốt với cộng đồng. Cô Trân luôn tận tâm với công việc, cô yêu nghề, yêu trẻ hiếm ai có được" - anh B. cảm kích.
Cô Trân cho hay chứng tự kỷ rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời thì trẻ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Để dạy dỗ, chăm sóc trẻ tự kỷ, ngoài sự kiên nhẫn, giáo viên phải thật sự yêu thương các cháu. Mặt khác, muốn trẻ nhanh tiến bộ thì phụ huynh phải đồng hành với giáo viên nhằm thống nhất cách chăm sóc, dạy bảo ở trường cũng như ở nhà. Phụ huynh cũng phải dành nhiều thời gian quan sát, theo dõi từng bước đi, hành động của con em mình để điều chỉnh.
"Trẻ tự kỷ rất cần và thích được người khác yêu thương, chăm sóc, vỗ về. Các cháu cũng có tình cảm với người xung quanh như bao đứa trẻ khác nhưng không biết phải thể hiện ra sao. Mong mọi người hãy thấu hiểu và dùng tình yêu thương xoa dịu nỗi đau, những thiệt thòi để các cháu có thể hòa nhập, sống vui vẻ hơn" - cô Trân bày tỏ.
Theo bà Hồ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Thiên Nga, cô Trân có một tình yêu thương đặc biệt đối với trẻ thiếu may mắn. Vì luôn gần gũi, thân thiện nên cô được trẻ quấn quýt như chính mẹ của mình. "Nhờ được cô giảng dạy, chăm sóc rất bài bản nên chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều cháu đã có thể tự ăn uống, hòa đồng với bạn bè và có trách nhiệm hơn trong từng hành động" - bà Mỹ cho biết.
Hy sinh hạnh phúc cá nhân
Trước khi đi dạy ở trường, nhận thấy quanh mình có nhiều trẻ tự kỷ không đủ điều kiện để hỗ trợ can thiệp sớm nên cô Trân nhận 2 cháu trong xóm về dạy tại nhà. Chỉ sau một thời gian ngắn, số trẻ đến theo học ngày càng đông hơn. Năm 2015, cô Trân nhờ bố mẹ hỗ trợ trang thiết bị để mở cơ sở tiếp nhận dạy trẻ tự kỷ. Mỗi cháu mắc một chứng khác nhau. Vì vậy, cô phải mất rất nhiều thời gian và công sức để dạy từ những động tác đơn giản như đứng lên, ngồi xuống, cầm, nắm đồ vật đến kỹ năng mặc quần áo, đi giày dép theo kiểu học mà chơi, nhắc đi nhắc lại. Ngoài ra, cô còn tự mày mò sáng tạo các đồ chơi giúp trẻ khám phá các giác quan.
Ban ngày dạy ở trường, đêm về chăm sóc trẻ ở nhà khiến cô Trân không còn thời gian nghĩ đến hạnh phúc cá nhân. "Đến nay, hàng chục cháu học với tôi đã "ra trường", hòa nhập tốt với cộng đồng. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi" - cô Trân thổ lộ.
Bình luận (0)