Ngày 14-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Dự kiến đến hết tháng 8, có thể kiểm soát được tình hình.
Giải mã gien chủng SARS-CoV-2 ở Hải Dương
Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, những ngày qua, Bộ Y tế đã cử các đội y, bác sĩ tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, hỗ trợ địa phương. Tất cả các trang thiết bị cần thiết đều được đưa vào để phục vụ điều trị. Tuy nhiên, do đợt này, dịch Covid-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc, mắc thêm Covid-19 chỉ như "giọt nước tràn ly". "Dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi." - ông Long nói. Theo ông Long, chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng ngại. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương phân tích sâu, giải mã gien SARS-CoV-2 gây bệnh ở Hải Dương để đánh giá mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có trong vài ngày tới.
Bên trong Khoa Cấp cứu bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng .Ảnh: LÊ BẢO
Ban Chỉ đạo cho rằng việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định có thể từ giờ trở đi, Việt Nam sẽ "không còn những khoảng thời gian yên bình như trước" do nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả địa phương.
Hiệu quả của xét nghiệm cộng đồng
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng sáng 14-8, ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, cho hay tỉnh Quảng Nam đã thành lập 5.484 tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng. Quảng Nam đã thực hiện 38.670 mẫu xét nghiệm; trong đó có 81 mẫu dương tính, 31.201 mẫu âm tính. Đến nay, năng lực xét nghiệm của Quảng Nam đạt 4.500 mẫu/ngày. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng công tác xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng cũng đã cho thấy hiệu quả khi phát hiện sớm các ca dương tính và kịp thời khoanh vùng cách ly.
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định về việc tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với thị xã Điện Bàn và các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và Thăng Bình; riêng huyện Quế Sơn tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TTg. Thời gian áp dụng bắt đầu 0 giờ ngày 15-8 đến khi có thông báo mới.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập 15 chốt kiểm dịch ở tất cả các đường dẫn vào địa phương để kiểm soát tất cả người và phương tiện.
Bộ Y tế đã đăng ký mua vắc-xin Covid-19 của Nga và Anh
Tối 14-8, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang nỗ lực để người dân Việt Nam được tiếp cận với vắc-xin ngừa Covid-19 sớm nhất. Về sản xuất vắc-xin trong nước, Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (VABIOTECH) đang phối hợp với Trường ĐH Briston của Anh nghiên cứu sản xuất vắc-xin theo công nghệ vector virus. Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) đang phối hợp với tổ chức PATH của Mỹ để sản xuất vắc-xin. Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế POLYVAC và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19, bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.
Mặt khác, Bộ Y tế đang rất nỗ lực và tích cực phối hợp với các nhà cung cấp vắc-xin trên thế giới để thực hiện mua và phối hợp sản xuất vắc-xin, trong đó có Nga, Anh, Mỹ và các nước khác. Mới đây, Bộ Y tế đã đăng ký mua vắc-xin của Nga và Anh. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, việc cung cấp vắc-xin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất. Bộ Y tế khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để có thể có được vắc-xin phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
TP HCM cảnh báo nguy cơ từ người nhập cảnh trái phép
Chiều 14-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phát đi cảnh báo mới về tình trạng nhập cảnh trái phép, nguy cơ lây lan Covid-19 tại TP HCM.
Cuối giờ chiều cùng ngày, Bộ Y tế đã công bố TP HCM có thêm 1 ca bệnh mới là bệnh nhân 912, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh trái phép qua biên giới phía Bắc vào Việt Nam cùng với 7 người. Ngày 30-7, nhóm người này đi ôtô vào TP HCM, bị phát hiện và chuyển cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm với nhóm 8 người này 3 lần đều âm tính. Ngày 12-8, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 4 và phát hiện 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, 7 trường hợp còn lại âm tính. Đây là trường hợp nhiễm Covid-19 ở nhóm người nhập cảnh trái phép đầu tiên được phát hiện tại TP. Nếu trường hợp này không được phát hiện và tiếp tục sinh hoạt trong cộng đồng sẽ là nguy cơ tạo ra những ổ dịch không rõ nguồn lây. Khi đó, công tác phòng chống dịch sẽ khó khăn hơn rất nhiều do TP HCM có dân số lớn và là đầu mối giao thương của cả nước.
Theo HCDC, tính từ tháng 5 đến nay, TP đã phát hiện 152 trường hợp nhập cảnh trái phép, trong đó người Trung Quốc chiếm 72%, Campuchia 11%, còn lại là người Việt Nam và Hàn Quốc. Các trường hợp này khi phát hiện đều được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.
Ng.Thạnh
Bình luận (0)