Bộ Y tế cho biết ngày 19-8 Việt Nam phát hiện thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca lên 993 người. Trong số này có 2 bệnh nhân ở TP Đà Nẵng, 1 ở tỉnh Quảng Nam và 1 ở tỉnh Hải Dương. Trong ngày cũng có 15 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca điều trị khỏi là 535 người. Trong 433 bệnh nhân đang điều trị, có gần 100 bệnh nhân có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 đến 3 lần. Việt Nam cũng ghi nhận 25 ca Covid-19 tử vong.
Sẽ không có lúc nào "bình yên"!
Chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế các địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 19-8, ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết 1 tháng qua, nhờ triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt, các ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát. Riêng ở Hải Dương, khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán ăn "Thế giới bò tươi" - nơi có ca bệnh 867. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng (hiện đã ghi nhận 11 trường hợp mắc Covid-19), trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới.
Nhận định sắp tới vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương chuẩn bị cho tâm thế dịch sẽ kéo dài. "Chúng ta phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên mà sẵn sàng có dịch. Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch. Ở đợt dịch trước Việt Nam chỉ có khoảng 40 ổ dịch nhưng lần này đã lan khoảng 150 ổ dịch" - GS Nguyễn Thanh Long cảnh báo.
Bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Ngãi được công bố khỏi bệnh vào ngày 19-8 Ảnh: TỬ TRỰC
Liên quan đến vấn đề vắc-xin ngừa Covid-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin Việt Nam đang tìm mọi phương pháp để tiếp cận vắc-xin nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021. Ông đề nghị các địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng chống dịch, tránh tâm thế trông chờ, thụ động.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải rà soát lại các kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong tỏa, nhiều bệnh nhân và nhiều cán bộ y tế mắc Covid-19 để nâng cao ứng phó. Nhấn mạnh công tác giám sát rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các nhà thuốc phải giám sát chặt các trường hợp mua thuốc ho, sốt... và báo cho cơ sở y tế. Đối với các bệnh viện, nếu để lọt bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ bị xử lý nghiêm.
Quảng Nam lý giải việc thầy giáo mắc Covid-19 đi coi thi
Chiều cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam có thông cáo báo chí liên quan việc bệnh nhân 991 (Bộ Y tế công bố hôm 18-8) - ông N.T.C - là thầy giáo có đi coi thi tốt nghiệp THPT vào ngày 8 đến 10-8 tại Trường THPT Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Sở này cho biết khi chuẩn bị cho kỳ thi, đơn vị đã rà soát số cán bộ, giáo viên có liên quan đến yếu tố F1, F2 để loại trừ. Sau khi xảy ra sự việc, ông C. báo cáo như sau: Từ ngày 13 đến 17-7, ông C. chăm sóc vợ (bệnh nhân 981) tại Bệnh viện Đà Nẵng. Khi có thông tin dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng, ngày 31-7, vợ chồng ông đến khai báo y tế tại Trạm xá xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, sau khi khai báo xong, vợ chồng ông không nhận được thông báo, quyết định nào về việc cách ly tập trung hay cách ly tại nhà và tình hình sức khỏe của vợ chồng ông hoàn toàn bình thường. Sau đó ông C. được điều động đi coi thi. Đến ngày 14-8, vợ ông mới được cơ quan y tế địa phương gọi đi lấy mẫu xét nghiệm và đến ngày 17-8 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tính từ ngày ông C. ra bệnh viện chăm vợ (13-7) đến ngày ông đi coi thi (8-8) cũng đã 25 ngày.
Chiều 19-8, Trung tâm Y tế quận Hải Châu, TP Đà Nẵng chính thức được gỡ lệnh phong tỏa. Trung tâm hoạt động bình thường trở lại từ sáng 20-8.
TP HCM mở rộng đối tượng lấy mẫu xét nghiệm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết tính đến ngày 19-8, có thêm 979 người về từ Đà Nẵng khai báo y tế, nâng tổng số trường hợp khai báo và được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đến thời điểm này là 53.428 trường hợp.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết bên cạnh Đà Nẵng đã xuất hiện các tỉnh, thành có người nhiễm Covid-19 do lây lan trong cộng đồng hoặc xuất hiện trường hợp nhiễm không rõ nguồn gốc như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, Hải Dương. Do vậy, ngoài người về từ Đà Nẵng, TP HCM sẽ thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 những người tiếp xúc gần, người về từ các địa điểm có bệnh nhân Covid-19 sống, làm việc. Người đến từ các địa phương đang bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, người có đến các địa điểm được Bộ Y tế thông báo có ca Covid-19 sẽ cách ly tại nhà và được lấy mẫu xét nghiệm.
Kiểm soát chặt việc chăm sóc ở bệnh viện
Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú. Các cơ sở khám chữa bệnh phải bố trí đủ nhân lực chăm sóc người bệnh tại các khoa trọng điểm như khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm, khoa bệnh nhiệt đới...; tuyệt đối không để người nhà, người chăm sóc thuê qua dịch vụ chăm sóc người bệnh ở các khoa này trong giai đoạn hiện nay. Với các đối tượng là người bệnh thuộc các trường hợp khác, Bộ Y tế yêu cầu giảm tối đa người nhà chăm sóc.
Bình luận (0)