Theo TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - doanh nhân là lực lượng chủ công làm nên "cuộc thoát nghèo vĩ đại" của đất nước sau đổi mới, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và tạo tiền đề hướng tới giàu mạnh. Tuy nhiên, lực lượng này đang phải xoay xở trước nhiều khó khăn, thách thức kép.
Hai cuộc khởi nghiệp đáng tự hào
TS Vũ Tiến Lộc chỉ rõ kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 đối mặt nhiều khó khăn từ bên ngoài khi hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, tổng cầu suy giảm, lạm phát còn cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và những bất ổn địa chính trị gia tăng. Ở trong nước, sản xuất khó khăn, sức mua thấp, đầu tư tư nhân có dấu hiệu yếu đi, đầu tư công dù có xung lực mới nhưng cần nhiều thời gian để chuẩn bị điều kiện, năng lực tiếp nhận dòng vốn chất lượng cao.
"Sau khi gồng mình vượt qua đại dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đương đầu với những thách thức mới, thậm chí còn nặng nề hơn. Tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu vốn, tồn kho gia tăng, thanh khoản kém, quy mô sản xuất thu hẹp, người lao động bị sa thải... diễn ra khá phổ biến" - TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong khó khăn, đa phần DN Việt xác định tâm thế "không trông chờ", "phải tự cứu chính mình", vượt qua những thử thách mang tính sinh - tử để tồn tại, giữ công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước. Một lần nữa, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng DN, doanh nhân đã được phát huy mạnh mẽ.
"Lực lượng DN đã phát triển vượt bậc về số lượng khi có trên 6 triệu chủ thể kinh doanh với hàng chục triệu doanh nhân đang nỗ lực vượt sóng lớn. Công cuộc khởi nghiệp lần thứ nhất của nền kinh tế theo chiều rộng đã thành công đáng tự hào. Công cuộc khởi nghiệp lần thứ hai - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - tuy khó khăn hơn nhưng khi thành công sẽ đáng tự hào hơn nhiều" - ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa dài kể từ sau đổi mới, DN Việt Nam đã cho thấy sức chống chịu mạnh mẽ. "Phải gánh giá vốn, chi phí giao dịch cao... nhưng DN vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước" - ông Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Chính phủ cần thiết kế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, nhằm tiếp thêm động lực cho đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh còn nhiều khó khănẢnh: HOÀNG TRIỀU
Mở rào nhiều hơn nữa
Theo giới chuyên gia, tuy cộng đồng DN, doanh nhân vẫn đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế song xu thế tăng trưởng số lượng DN chậm lại và mức độ phát triển thấp nhất trong nhiều thập kỷ đã phản ánh những khó khăn chưa từng thấy.
Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023. Theo đó, hơn 30% DN đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn, 37,5% nhận định tình hình ổn định và 32,4% cho rằng có nhiều khó khăn. Về tình hình quý IV/2023, tuy 39,1% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý trước nhưng vẫn có 23,7% DN dự báo khó khăn hơn - là tỉ lệ không nhỏ.
Để tiếp tục khơi dậy tinh thần kinh doanh, cần sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, vai trò dẫn dắt, mở đường từ phía nhà nước. Trong đó, cần tập trung vào cải cách thể chế. "DN không thể nâng tầm, đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình nếu không cải thiện tình trạng chất lượng thể chế trung bình và xây dựng một thể chế vượt trội" - TS Vũ Tiến Lộc góp ý.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, môi trường kinh doanh đang xuất hiện những lực cản chưa từng có kể từ khi thực hiện Luật DN năm 2000 đến nay, xuất phát từ tâm lý "sợ sai", "đùn đẩy trách nhiệm" của một bộ phận cán bộ, công chức. Có tình trạng một số bộ, ngành, địa phương gửi công văn tham vấn ý kiến của nhiều cơ quan để quyết định theo cơ chế đồng thuận, làm kéo dài thời gian chờ đợi. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và hiệu quả của DN, khiến doanh nhân nản lòng.
"Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN và doanh nhân, Chính phủ cần cấp bách cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hóa giải nỗi sợ sai. Muốn vậy, cần có giải pháp phi truyền thống. Đó là mở rào nhiều hơn nữa, tạo cơ chế quyết định công việc dựa trên thực tiễn, thay vì thông qua trình tự, thủ tục tham vấn - mà nhiều khi không cần thiết" - TS Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
Trung bình mỗi tháng có 15.000 doanh nghiệp rời thị trường trong khi vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh Đồ họa: ANH THANH
Tiếp tục vươn mình
Một thực tế không thể không thẳng thắn nhìn nhận là trong 6 triệu chủ thể kinh doanh, có rất ít DN quy mô vừa và lớn, hầu hết là DN nhỏ, siêu nhỏ với năng suất lao động, tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh chưa cao.
"Thế hệ doanh nhân đầu tiên sau đổi mới đã viết nên kỳ tích thoát nghèo của đất nước. Nhưng từ đó đến nay, chúng ta chưa có nhiều DN và thương hiệu ngang tầm thế giới, nhất là chưa có một thế hệ các nhà công nghiệp" - TS Vũ Tiến Lộc trăn trở.
Việt Nam có quy mô nền kinh tế không nhỏ so với nhiều nước nhưng tỉ trọng khu vực phi chính thức còn cao, chiếm tới 30% GDP. Bên cạnh đó, 70% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trên 50% sản lượng công nghiệp cũng do khối này nắm giữ. DN trong nước chưa kết nối hiệu quả với DN ngoại; nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công và thâm dụng tài nguyên, lao động.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển. Vai trò chủ công thực hiện mục tiêu lớn này tiếp tục được trao cho đội ngũ doanh nhân bởi đất nước chỉ mạnh khi có đội ngũ doanh nhân mạnh.
Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế - Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), DN tư nhân của Việt Nam còn rất trẻ, chủ yếu ra đời sau đổi mới. Vì vậy, cách thức hỗ trợ của nhà nước cần đi vào thực chất và đủ mạnh để có thể thúc đẩy hình thành DN quy mô lớn, phát triển ổn định và chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài. Những DN này sẽ trở thành "sếu đầu đàn", kéo DN nhỏ phát triển theo và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia góp ý Chính phủ nên chỉ đạo các cơ quan khảo sát tình hình kinh doanh của các nhóm DN để xác định DN cần gì, còn thiếu gì... nhằm thiết kế giải pháp hỗ trợ cụ thể về vốn, thị trường, công nghệ, cơ chế...
TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia:
Giảm lãi suất điều hành chưa phải là tất cả
Trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế, việc sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất điều hành chỉ mang lại một phần hiệu quả khi giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Muốn đạt mục tiêu giảm tiếp lãi suất nhằm hỗ trợ tốt nhất cho DN, cơ quan quản lý nhà nước cần sử dụng một số công cụ mạnh mẽ hơn, như: dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để cung ứng một lượng vốn với lãi suất thấp và có tính ổn định hơn vào hệ thống ngân hàng thương mại. Các loại giấy tờ có giá, hồ sơ tín dụng đáp ứng quy định sẽ được ngân hàng thương mại sử dụng để tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn đáng kể so với huy động từ thị trường, từ đó giảm chi phí huy động vốn bình quân và kéo giảm lãi suất cho vay.
T.Thơ ghi
Bình luận (0)