xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nặng tình với Sơn Mỹ

Bài và ảnh: Võ Quý Cầu

Sơn Mỹ từ lâu là đề tài của nhiều nhà văn, nhà báo. Song, gắn bó bền chặt nhất với vùng quê Quảng Ngãi này có lẽ là nhà thơ Thanh Thảo

Mới đó mà vụ thảm sát 504 thường dân Sơn Mỹ xảy ra đã 50 năm và ngày 16-3 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức lễ tưởng niệm những nạn nhân này. Nhà thơ Thanh Thảo, tác giả của trường ca "Trẻ con ở Sơn Mỹ" năm nào, giờ cũng đã 72 tuổi. Tôi chưa từng thấy ai gắn bó bền bỉ với Sơn Mỹ như ông.

Đau thương mất mát đè nặng

"Trẻ con ở Sơn Mỹ" ra mắt lần đầu tiên trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào năm 1978, sau đó được Nhà Xuất bản Văn học in lại. Từ lúc mới ra đời, trường ca này đã được đông đảo bạn đọc yêu thích. Có người sau khi đọc đã tìm gặp Thanh Thảo rồi đến Sơn Mỹ để hiểu hơn sự mất mát của người dân nơi đây và cùng hy vọng về sự hồi sinh trên quê hương này.

Nặng tình với Sơn Mỹ - Ảnh 1.

Học sinh Sơn Mỹ sau giờ tan trường

Gặp rồi, tôi mới biết Thanh Thảo đến với Sơn Mỹ không ngẫu nhiên bởi quê ông ở Quảng Ngãi. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, ông công tác ở Cục Địch vận thuộc Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng.

Nặng tình với Sơn Mỹ - Ảnh 2.

Nhà thơ Thanh Thảo

"Hồi đó, vụ thảm sát Sơn Mỹ đã gây chấn động toàn thế giới. Từ Sơn Mỹ, chị Võ Thị Liên - người sống sót trong vụ thảm sát - đã ra Hà Nội và đi nhiều nơi trên thế giới để tố cáo tội ác của quân đội Mỹ. Còn ở nước ngoài thì tạp chí Life (Mỹ) cũng đã đăng ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ. Là người ở Cục Địch vận, mình tiếp xúc tư liệu và viết bài tố cáo tội ác của quân đội Mỹ đối với thường dân ở Sơn Mỹ" - nhà thơ Thanh Thảo kể.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, nhà thơ Thanh Thảo đến công tác ở Trại Sáng tác Quân khu 5 và lại trở về Sơn Mỹ. "Về đây, mình hiểu rõ Sơn Mỹ anh hùng lắm. Đã 2 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng Sơn Mỹ cũng là vùng đất đau thương mất mát đè nặng, nhất là những gia đình có người thân bị thảm sát" - nhà thơ Thanh Thảo kể về cảm xúc khi trở về Sơn Mỹ dạo ấy.

Thanh Thảo cho biết cả tháng trời, ông gặp gỡ, tiếp xúc những gia đình có người thân bị thảm sát, những người sống sót, mục kích cảnh làng quê sau chiến tranh xơ xác tiêu điều, hố bom chi chít. Sơn Mỹ ở cuối dòng sông Trà Khúc nhưng hồi đó chưa có công trình thủy lợi. Mùa hạ về, dân phải bắt cần vọt kéo nước tưới lúa, hoa màu sáng đêm. Những gia đình có người thân bị quân đội Mỹ thảm sát, sau chiến tranh thiếu sức lao động nên cuộc sống càng thêm khốn khó.

Cảm hứng từ con trẻ

Nhiều lần vào thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ, xem 40 bức ảnh mà phóng viên quân đội Mỹ Ronald L.Haeble chụp và công bố về vụ thảm sát, nhà thơ Thanh Thảo dừng lại khá lâu ở bức ảnh trên cánh đồng lúa chín vàng, đứa anh trai lấy thân mình che chở cho em. Ông nghĩ trẻ con ở vùng đất đau thương trong chiến tranh lớn nhanh hơn những đứa trẻ được nuông chiều. Chúng biết sẻ chia và sẵn sàng lấy mạng sống của mình che chở cho người thân trước họng súng đen ngòm của kẻ thù hung ác.

Nhà thơ đã ra vùng biển Mỹ Khê, xem dân chài sau chiến tranh dùng thuyền nan và thúng chai bủa lưới, thấy con sóng ùa vào tưởng như mất hút trên biển nhưng trẻ con làng chài thì thật hồn nhiên. Chúng chạy nhảy, nô đùa, nói cười chẳng khác nào trẻ em những vùng quê chưa từng xảy ra vụ thảm sát đau thương. Khi thuyền về, đám trẻ ào ra mé biển, phụ giúp đẩy thuyền lên bờ và bưng bê những mớ cá - chiến lợi phẩm mà cha anh chúng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có. Bằng sự nhạy cảm của một nhà thơ từng đi qua chiến tranh, Thanh Thảo hiểu các em là hình ảnh của Sơn Mỹ tương lai và trường ca "Trẻ con ở Sơn Mỹ" bắt đầu từ cảm hứng đó.

"Trẻ con ở Sơn Mỹ" dù viết chậm - phải sau 2 năm mới được công bố - nhưng khi đối diện chiếc máy đánh chữ, cảm xúc ùa về, có những chương đoạn được nhà thơ Thanh Thảo viết khá nhanh:

Cho tôi nhập vào các em

Những chân trời trên cát…

Cho tôi nhập vào các em

Hoa xương rồng đỏ chói

Bầy chim sẻ lại về trên ngọn dừa mồ côi…

Những câu thơ đầu trường ca là sự chân thực của cuộc sống, sự hòa nhập của tác giả với vùng đất thật tự nhiên mà giàu cảm xúc nên cuốn hút người đọc.

Tôi đọc trường ca "Trẻ con ở Sơn Mỹ" và càng thấy sức sống của làng quê này. Ở đó có những đứa trẻ sinh ra dưới lòng địa đạo. Kẻ thù đến gây nên vụ thảm sát đau thương. Rồi nỗi đau đã biến thành hờn căm để họ chiến đấu trả thù cho quê hương. Một hình ảnh thật ấn tượng về sự hồi sinh được nhà thơ chắt lọc từ cuộc sống ở Sơn Mỹ là "chim sáo mỏ vàng ấp trứng bên tháp canh" và những đứa trẻ lớn lên ở làng quê cùng "Nắm tay nhau dưới ánh mặt trời/Cùng băng tới như dòng sông gặp biển".

Làng quê bừng ánh điện

Sơn Mỹ từ lâu là đề tài của các nhà văn, nhà báo. Song, gắn bó bền chặt nhất với vùng quê này có lẽ là nhà thơ Thanh Thảo. Sau khi viết "Trẻ con ở Sơn Mỹ", ông nhiều lần quay lại vùng quê này. Sau chiến tranh, dù được sự quan tâm của trung ương, của tỉnh, Sơn Mỹ đã xây dựng một số công trình nhưng vẫn còn nghèo lắm.

Năm 1998, Thanh Thảo lại về Sơn Mỹ. Thấy khi đêm xuống, cả xã chỉ leo lét ánh đèn dầu, hỏi dân ông mới biết đường điện trung thế đã về đến đây nhưng bà con không có tiền để xây dựng trạm hạ thế.

Sau chuyến đi này, Thanh Thảo viết bài "Sơn Mỹ cần một tượng đài - điện" đăng trên Báo Thanh Niên. Bài báo đã gây nên hiệu ứng tức thì. Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam cùng nhiều mạnh thường quân đã về Sơn Mỹ lắp đặt trạm hạ thế, kéo điện về cho dân sử dụng. Làng quê Sơn Mỹ bừng lên ánh điện từ đó.

Cũng vì gắn bó với Sơn Mỹ mà Thanh Thảo lần ra trường hợp anh Đỗ Ba - đứa trẻ sống sót trong vụ thảm sát năm ấy và vào đời với nhiều sự mất mát, thiệt thòi. Ông đã động viên anh sống tốt hơn để xứng đáng với quê hương, với những người đã khuất.

"Cuộc sống của Sơn Mỹ đang hồi sinh nhưng đây đó vẫn có những đứa trẻ lớn lên trong thiệt thòi, cần có sự động viên, giúp đỡ" - nhà thơ Thanh Thảo giải thích cho tôi nghe về lý do ông lập ra Quỹ Vì trẻ em Sơn Mỹ. Là người có nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ và có thể vận động nhiều người đóng góp tiền của cho quỹ nhưng ông lại chọn cách đi riêng: Trích tiền nhuận bút, tiền lương để cấp học bổng cho trẻ em Sơn Mỹ.

Ban đầu, mỗi suất học bổng của Quỹ Vì trẻ em Sơn Mỹ chỉ 500.000 đồng, rồi tăng lên 1 triệu đồng, khi khá hơn thì vài triệu đồng cho 20-30 em. Thoắt cái, thế mà quỹ học bổng vì trẻ em này đã duy trì được 20 năm.

Nhà thơ Thanh Thảo đã viết 14 trường ca, trong đó có 4 trường ca về Quảng Ngãi. Sau "Trẻ con ở Sơn Mỹ", ông viết trường ca "Bùng nổ mùa Xuân" (viết về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ) và mới đây là trường ca về người chiến sĩ cách mạng kiên trung Trương Quang Trọng.

Quà tặng văn hóa

"Trẻ con ở Sơn Mỹ" đã được nhạc sĩ kiêm đạo diễn Nguyễn Thụy Kha làm phim, phát trên sóng VTV.

Sau đó, "Trẻ con ở Sơn Mỹ" đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, chọn làm quà tặng văn hóa cho 2 phi công Mỹ từng cứu người trong vụ thảm sát Sơn Mỹ - ông Hugh Thompson và ông Lawrence Colburn - cùng các quan khách trong dịp tưởng niệm 30 năm sự kiện này (1998).

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Nặng tình với Sơn Mỹ - Ảnh 5. Nặng tình với Sơn Mỹ - Ảnh 5. Nặng tình với Sơn Mỹ - Ảnh 5. Nặng tình với Sơn Mỹ - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo