Vắc-xin Covid-19 không có miễn dịch bền vững, hiệu lực giảm tương đối nhanh, do đó Bộ Y tế khuyến cáo để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn.
Nguy cơ phải hủy bỏ vắc-xin Covid-19
Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã tiêm được hơn 226,3 triệu liều vắc-xin Covid-19 (tỉ lệ khoảng 97%). Trong tháng 5, cả nước triển khai tiêm khoảng 3 triệu liều mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; khoảng 2,5 triệu liều mũi 1 và 500.000 liều mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiến độ tiêm mũi 1 đạt 62% và mũi 2 đạt 31% so với lộ trình đề ra.
Theo nhận định của Bộ Y tế, tiến độ tiêm thời gian qua có xu hướng chậm lại. Nếu tiến độ tiêm mũi 3 trong tháng 6 chỉ đạt khoảng 3 triệu liều như trong tháng 5 thì đến hết quý II/2022 dự báo chỉ đạt gần 70% mục tiêu phủ vắc-xin cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch. Với tiến độ này có khả năng không sử dụng hết số vắc-xin đã tiếp nhận cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi. "Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc-xin Covid-19 tại trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc-xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới" - lãnh đạo Bộ Y tế nói.
Một số địa phương đã đề nghị Bộ Y tế điều chuyển số lượng lớn vắc-xin Covid-19 và tạm thời chưa phân bổ tiếp vắc-xin sau khi bộ này yêu cầu các tỉnh tiếp nhận vắc-xin theo kế hoạch. Số vắc-xin này có hạn dùng tới ngày 30-6-2022. Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng họ chưa tiếp nhận vắc-xin là do chưa kịp sử dụng hết số vắc-xin được phân bổ từ các đợt trước trong khi vắc-xin được rã đông sớm, hạn sử dụng còn lại rất ngắn, thậm chí có nguy cơ phải hủy bỏ nếu tiếp tục tiếp nhận thêm.
Ngoài ra, do tình hình dịch đã giảm mạnh, nhiều người dân mắc Covid-19 đã khỏi bệnh không tự nguyện tham gia tiêm chủng mũi bổ sung và mũi nhắc lại nên tốc độ tiêm chủng chậm.
Tiêm vắc-xin mũi 4 cho công nhân một xí nghiệp may ở tỉnh Quảng BìnhẢnh: Hoàng Phúc
Biến thể mới làm dịch Covid-19 gia tăng trở lại
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh vừa diễn ra, Thứ trưởng phụ trách Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Việt Nam thời gian gần đây, biến thể Omicron đã được ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập nước ta và có thể dẫn đến số ca mắc Covid-19 tăng trong thời gian tới. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêm vắc-xin tăng cường, tiêm nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: "Trong văn bản mới nhất về việc tiêm vắc-xin Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4), Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tiêm chủng vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch, trong đó có dịch Covid-19. Hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc-xin Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vắc-xin Covid-19 giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiêm vắc-xin Covid-19 để bảo đảm yêu cầu của công tác phòng chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều" - GS Lân khẳng định.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. "Các nhà chuyên môn, nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 thông qua đánh giá lâm sàng cho thấy vắc-xin Covid-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm, vì vậy người đã tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm, miễn dịch sẽ giảm dần" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhận định, đồng thời cho rằng tuy chưa có quy định bắt buộc tiêm tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng từ lợi ích của việc tiêm vắc-xin thời gian qua, ngành chức năng cần truyền thông, vận động để mọi người tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các mũi vắc-xin như khuyến cáo.
Hạ thấp độ tuổi tiêm vắc-xin cho trẻ em
Chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc mở rộng đối tượng tiêm mũi tăng cường (mũi 3, mũi 4), hạ thấp độ tuổi trẻ em được tiêm vắc-xin. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế hệ thống lại các văn bản để hướng dẫn chi tiết việc tiêm vắc-xin tăng cường. Các địa phương tăng cường tuyên truyền các thông tin, đặc biệt về các chủng mới có thể xuất hiện, làm rõ các tác dụng phụ sau khi tiêm, để vận động người dân đi tiêm an toàn trong thời gian tới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần gương mẫu trong thực hiện tiêm vắc-xin và cần có chế tài xử lý phù hợp.
Bình luận (0)