Trước diễn biến dịch Covid-19 với biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh, Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) đã thành lập 2 phòng cách ly ngay tại doanh nghiệp (DN) dành cho công nhân (CN) là F0 có nhu cầu. Khi cách ly tại công ty, người lao động (NLĐ) được hỗ trợ 100% chi phí ăn ở và có bác sĩ khám, tư vấn mỗi ngày.
Bảo đảm sức khỏe công nhân
Phòng cách ly là công trình do tập thể Chi bộ Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Công ty CP In số 7 thực hiện, nhằm chia sẻ khó khăn cùng DN. Công ty dành 2 phòng với diện tích 120 m2 (nam, nữ riêng), trang bị đầy đủ giường chiếu, mùng mền, máy nước nóng lạnh, dung dịch rửa tay, máy đo SpO2, đo thân nhiệt, thuốc điều trị… để phục vụ CN là F0.
Bí thư Chi bộ Công ty CP In số 7 Lê Thị Bích Hằng (bìa phải) trao đổi với các đảng viên tiêu biểu của công ty
NLĐ là F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nếu có nhu cầu cách ly sẽ được bố trí ăn ở tại Công ty CP In số 7. Công ty còn ký hợp đồng với một bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn mỗi ngày. Việc này giúp CN an tâm sản xuất. Nếu là F0, họ có thể xin cách ly tại DN mà không phải lo lắng mang mầm bệnh về lây nhiễm cho cha, mẹ già hay con nhỏ.
Trước đó, trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách, để bảo đảm sản xuất không bị gián đoạn, Công ty CP In số 7 áp dụng "3 tại chỗ". Để động viên NLĐ tham gia hoạt động này, tổng giám đốc, bí thư chi bộ, chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên là những người đầu tiên xách vali đến DN "cắm trại".
Bà Lê Thị Bích Hằng, Bí thư Chi bộ Công ty CP In số 7, cho biết trong giai đoạn "3 tại chỗ", các lãnh đạo DN có những lúc quên đi chức vụ của mình, trực tiếp trở thành đầu bếp, người phục vụ căng tin, tạp vụ hay CN đóng gói, nhân viên điều hành sản xuất - kinh doanh, kể cả thợ in, thợ cắt… Cấp ủy, ban điều hành, ban chấp hành các đoàn thể chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân và gia đình, chấp nhận khó khăn để tham gia trọn vẹn hoạt động "3 tại chỗ" suốt 4 tháng. Những người không tham gia thì được bố trí làm việc online để sản xuất không bị gián đoạn.
"Các thành viên của công ty, đặc biệt là đảng viên, luôn thể hiện tinh thần xung kích. Bộ phận nào thiếu nhân lực mà họ làm được là vào làm ngay chứ không nề hà khó khăn, gian khổ. Lúc ấy, chúng tôi nghĩ phải cố gắng để duy trì sản xuất, duy trì việc làm, vì sau lưng mỗi NLĐ là một gia đình" - bà Hằng bày tỏ.
Đảng viên đi đầu
Để khơi dậy tiềm lực cũng như thúc đẩy DN phát triển, Chi bộ Công ty CP In số 7 đã thực hiện chương trình "Sáng kiến cải tiến". Mỗi năm, chương trình có 20-30 sáng kiến cải tiến đăng ký. Đặc biệt, mỗi đảng viên phải có ít nhất 1 sáng kiến.
Đến nay, chương trình đã thu hoạch được hơn 150 sáng kiến cải tiến của các cá nhân và bộ phận về việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của công ty và của bộ phận mình, tiết kiệm cho DN nhiều tỉ đồng.
Đi đầu trong phong trào này là anh Doãn Quý Chung - đảng viên, phó quản đốc - với hơn 14 sáng kiến, làm lợi và tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong đó, sáng kiến in ghép vé số của anh đã giúp công ty thay đổi công nghệ in, tăng giá trị sử dụng của tấm kẽm, tăng lượng vé số in từ 30.000 tờ/lần lên 60.000 tờ/lần, nhờ đó DN tiết kiệm gần 100 triệu đồng/năm.
Anh Chung thổ lộ: "Là một đảng viên, tôi luôn nghĩ mình phải đi đầu trong các hoạt động, nhất là phong trào "Sáng kiến cải tiến" do chi bộ phát động. Mỗi năm, tôi đều có 1-2 sáng kiến cải tiến để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động cho anh em, giúp DN tiết kiệm chi phí và NLĐ tăng thu nhập".
Ông Nguyễn Minh Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP In số 7, nhận xét: "Chương trình "Sáng kiến cải tiến" đã mang lại hiệu quả to lớn cho công ty. Ngoài giá trị thu được từ các khoản làm lợi, tiết kiệm bằng tiền, chúng tôi còn khơi dậy được sự sáng tạo, tính chủ động và ý thức trách nhiệm trong mỗi đảng viên và NLĐ. Sau 3 năm thực hiện chương trình này, 5 giá trị tinh thần: tâm huyết - trung thực - đoàn kết - kỷ luật - công bằng đã thấm sâu vào ý thức mỗi NLĐ".
Đề cập vai trò của chi bộ Đảng ở DN ngoài quốc doanh, bà Lê Thị Bích Hằng cho biết chi bộ nhận thức nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng trong DN không chỉ là lãnh đạo toàn diện một cách chung chung, mà phải phối hợp thật sự chặt chẽ với ban giám đốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên trong việc thảo luận và ra quyết định về các định hướng, kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường, củng cố phát triển nguồn nhân lực…
Theo bà Hằng, chi bộ còn phải tham gia cả việc tổ chức thực hiện các kế hoạch hằng năm thông qua đảng viên ở từng vị trí làm việc. Từ ban giám đốc đến các trưởng bộ phận và các đảng viên là những người gương mẫu, tự giác gắn kết và chia sẻ trách nhiệm với cấp dưới.
"Không phải chỉ là chỉ đạo hay mệnh lệnh, mà chi bộ phải xắn tay vào cùng tham gia. Ý tưởng là rất quan trọng, cần thiết nhưng giải pháp mới quyết định sự thành công. Nếu các cá nhân lãnh đạo, đảng viên chỉ đưa ra ý tưởng, định hướng, chiến lược mà không đưa ra giải pháp, hành động cụ thể, không tham gia cùng anh em thì chính chi bộ chưa phối hợp, cộng tác thật sự và chưa thể xem là lãnh đạo DN" - bà Hằng nhấn mạnh.
Thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/tháng
Bằng nhiều nỗ lực, giải pháp cụ thể và phù hợp ở từng thời điểm, Công ty CP In số 7 đã vượt qua khó khăn, hoàn thành hơn 100% tất cả chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của năm 2021; bảo đảm sự tăng trưởng, ổn định thị trường trong năm 2022. Doanh thu của công ty năm 2021 đạt 357 tỉ đồng, tăng 10%; lợi nhuận đạt 28 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2020.
Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng Công ty CP In số 7 vẫn duy trì được thu nhập bình quân của NLĐ là 20 triệu đồng/người/tháng. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công ty thưởng Tết cho mỗi NLĐ đến 4 tháng lương.
Bình luận (0)