Thời gian qua, người dân địa phương cực lực phản đối triển khai dự án này. Nguyên nhân chính là họ lo dự án gây ô nhiễm môi trường và nhà đầu tư lợi dụng để khai thác titan. Dường như ý kiến của người dân không được quan tâm nên mức độ phản ứng của họ ngày càng gay gắt. Nỗi lo ấy không phải vô cớ. Người dân nơi đây đã trả giá đắt về việc môi trường ô nhiễm từ các dự án viển vông chỉ nhằm khai thác titan rồi bỏ mặc. Dự án được chính quyền cấp phép, lợi nhuận thì nhà đầu tư hưởng còn hậu quả dân chịu nên ai chấp nhận nổi. Không còn cách nào khác, họ phải trực tiếp ngăn chặn.
Có thể nói người dân địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp nhất từ các dự án nhưng lại rất ít được phổ biến và lắng nghe. Khi họ phản ứng thì chính quyền địa phương và cả nhà đầu tư thường hứa hẹn: Tạo việc làm cho dân địa phương, cải thiện hạ tầng, phát triển kinh tế... Thế nhưng, thực tế thì ngược lại nên họ hoài nghi và thẳng thắn phản đối.
Vụ 2 nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý tại Đà Nẵng cũng bị dân phản ứng gay gắt vì gây ô nhiễm. Không ít cơ quan hữu trách đổ lỗi cho người dân và nhà đầu tư vu vạ họ gây rối. Đến khi chính quyền thành phố buộc tạm ngừng hoạt động để thanh tra thì những sai phạm của 2 nhà máy mới lộ rõ và phản ánh của người dân hoàn toàn chính xác. Hai nhà máy đã bị phạt và ngưng hoạt động để khắc phục hậu quả.
Hàng chục dự án du lịch dọc biển miền Trung cũng thế, nhà đầu tư và cả chính quyền địa phương vẽ lên viễn cảnh tươi đẹp, hoành tráng để người dân vui vẻ chấp thuận. Chỉ sau một thời gian ngắn, đường xuống biển bị bít lối, rừng phòng hộ bị băm nát, người dân bị loại ra khỏi chốn sinh kế quen thuộc. Đến lúc này, ai còn có thể truy vấn được tại sao không tạo việc làm cho người dân, hạ tầng được xây dựng như thế nào, đóng góp cho kinh tế địa phương ra sao?... Thậm chí, có nơi cơ quan chức năng vừa động đến thì doanh nghiệp đã dọa kiện mà chẳng đoái hoài đến cam kết lúc xin giấy phép đầu tư.
Không ai muốn phiền toái khi phải phản ứng với nhà đầu tư và các cơ quan chức năng địa phương. Người dân còn vui mừng khi nhà đầu tư đến triển khai dự án nữa là khác. Chẳng qua là bởi lợi ích mà nhà đầu tư mang lại quá nhỏ nhoi so với những hậu quả mà dân phải gánh chịu, như đất đai bị thu hồi, sinh kế bị ảnh hưởng, môi trường sống bị xuống cấp nặng nề... Nếu ngay từ đầu, tiếng nói và quyền lợi của người dân được chính quyền địa phương lưu tâm đúng mức thì đâu có xảy ra tình trạng phản ứng, chống đối căng thẳng về sau như chúng ta đã thấy. Những bài học này, nhiều địa phương học mãi mà chưa thuộc!
Bình luận (0)