Ngày 26-11, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tiếp tục làm việc với các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở Thừa Thiên – Huế liên quan đến vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo giấy phép được cấp.
Thủy điện Thượng Nhật đã mở hoàn toàn 5 cửa van
Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết có 11 hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở địa phương này theo kế hoạch xây dựng từ cuối năm 2019. Trong đó, đáng chú ý có công trình thủy điện Thượng Nhật, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.
Trưa 26-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Khuyến liên quan đến nội dung này:
- PV: Sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản đề nghị thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng mặt nước đối với thủy điện Thượng Nhật, Bộ TN-MT đã có động thái gì?
- Ông Nguyễn Minh Khuyến: Trong đợt công tác này đoàn đã kiểm tra thực địa thủy điện Thượng Nhật và dự kiến có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư vào chiều qua, 25-11. Tuy nhiên, đoàn được Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết UBND tỉnh này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 500 triệu đồng đối với chủ đầu tư nên chúng tôi cần phải xem xét lại các vấn đề, thông tin đảm bảo chính xác bởi nhiều khi vi phạm không vận hành theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa thì Bộ Công Thương và tỉnh cũng xử lý vi phạm rồi. Vì vậy, dự kiến chiều nay, 26-11, đoàn sẽ làm việc với đại diện chủ đầu tư.
- PV: Kiểm tra thực địa, đoàn có ghi nhận sai phạm của thủy điện Thượng Nhật liên quan đến sử dụng tài nguyên mặt nước hay không?
+ Ông Nguyễn Minh Khuyến: Hiện trường thì làm sao biết được quá khứ vận hành của họ? Ông vận hành thì có sổ nhật ký, các số liệu, sổ sách khác. Theo giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt thì đều quy định sử dụng như thế nào, ví dụ như giờ này quy định đảm bảo dòng chảy tối thiểu bao nhiêu, giờ kia đảm bảo mực nước bao nhiêu để quán lý chứ không khi xả thì không cần, khi cần thi không xả. Muốn rõ ràng sự đúng sai trong quá khứ thì xem sổ ghi chép vận hành của thủy điện này để đối chiếu với giấy phép sử dụng tài nguyên mặt nước được cấp.
- PV: Trong trường hợp nào thì thủy điện Thượng Nhật bị thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Minh Khuyến: Giấy phép khai thác nước mặt của Bộ TN-MT cấp cho thủy điện Thượng Nhật từ năm 2019, có giá trị 10 năm và quy định cụ thể từng nội dung. Nếu khai thác, sử dụng bình thường thì theo giấy phép. Tuy nhiên, nhà máy này đang chạy thử thì phải theo quy định của chủ đầu tư và phương án an toàn hồ đập được phê duyệt.
Trong đợt kiểm tra này, không chỉ riêng thủy điện Thượng Nhật mà 10 hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn lại, nếu vi phạm các quy định giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt được cấp như không thực hiện nghĩa vụ tài chính, giả mạo thông tin số liệu... theo quy định tại Điều 25, Nghị định 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước thì Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ đề xuất Bộ TN-MT thu hồi giấy phép. Đối với thủy điện Thượng Nhật thì ngày mai hoặc đầu tuần sau sẽ rõ.
Đã có hai cơ quan lập biên bản xử phạt
Dự án thủy điện Thượng Nhật do Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11 MW. Thủy điện này được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho phép tích nước hồ chứa giai đoạn 1 đến cao trình mực nước dâng bình thường 116 m trong 90 ngày, kể từ ngày 6-1. Việc cho tích nước để thực hiện kiểm tra thấm, chạy thử, thí nghiệm hiệu chỉnh, hoàn thiện các hạng mục phía hạ lưu của nhà máy thủy điện… Hết thời gian trên, sau khi kiểm tra, ngày 31-3, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công văn chưa cho tích nước vận hành chính thức và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các điều kiện để tích nước. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành khắc phục các vấn đề tồn tại, chưa đủ điều kiện để xem xét cho tích nước.
Đặc biệt, trong mùa lũ năm nay Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Vì vậy, ngày 24-11, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp này số tiền 500 triệu đồng do vi phạm Nghị định 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Trước đó, vào ngày 18-11, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã lập 2 biên bản đối với Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam về hành vi vi phạm quy đình về Quản lý vận hành đập thủy điện thuộc Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính Phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 130 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Bộ Công Thương thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
Bình luận (0)