Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã trình UBND tỉnh đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm ở Quảng Nam (Clip: Tuấn Ba Gấu)
Theo kết quả khảo sát trước đây, tại xã Tam Mỹ Tây có khoảng 70 con voọc chà vá chân xám. Tuy nhiên, kết quả điều tra, khảo sát trong 2 năm 2020-2021 của anh Bùi Văn Tuấn, nhà nghiên cứu hiện trạng bảo tồn và đặc điểm sinh thái của quần thể voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây, cho thấy tại địa phương này có từ 99-104 con voọc chà vá chân xám thuộc 12 đàn, sinh sống tại 9 khu rừng nhỏ tách biệt trong địa bàn xã. Trong đó, khu vực Hòn Dồ có số lượng nhiều nhất với 31 cá thể.
Gia đình voọc chà vá chân xám quý hiếm quây quần bên nhau. Ảnh: Tuấn Ba Gấu
Khu vực đàn voọc sinh sống chỉ có khoảng 30 ha, thuộc rừng nghèo, hẹp trên núi đá, chiều ngang dao động khoảng 50 m – 150 m. Mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể này gồm cả yếu tố tự nhiên như thiếu thức ăn, nơi ở, nước uống, khó chống chịu lúc thời tiết quá nóng hoặc lạnh; nguy cơ thoái hóa nguồn gen do giao phối cận huyết; tác động từ con người như săn bắn, bẫy bắt, cháy rừng, lấn chiếm rừng làm rẫy, khai thác lâm sản...
Vì vậy, việc bảo tồn đàn voọc quý hiếm tại xã Tam Mỹ Tây là hết sức cấp bách.
Đây là quần thể voọc chà vá chân xám duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên Ảnh: Tuấn Ba Gấu
Tỉnh Quảng Nam sẽ thu hồi, mua lại 30 ha rừng đang là nương rẫy của người dân nhằm đảm bảo có tối thiểu có 60 ha sinh cảnh sống cho đàn voọc.
Voọc chà vá chân xám di chuyển trên các vách đá để kiếm thức ăn. Điều này hiếm gặp trong các sinh cảnh không bị tác động. Ảnh: Tuấn Ba Gấu
Ngoài ra, vùng xung quanh phạm vi này với tổng diện tích khoảng 90 ha rẫy trồng keo của người dân sẽ trở thành vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái nhằm hạn chế các tác động đến vùng lõi và tạo thêm không gian sống cho loài voọc chân xám.
Chú voọc chà vá chân xám tỏ ra giận giữ khi phát hiện sự hiện hữu của con người Ảnh: Tuấn Ba Gấu
Khu vực này sẽ được đồng quản lý giữa nhà nước và cộng đồng với định hướng kết hợp bảo tồn gắn liền du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế cho người dân.
Núi Hòn Dồ, nơi có 31 cá thể voọc chà vá chân xám sinh sống được bao bọc bởi rừng keo của người dân. Việc người dân khai thác keo, đốt thực bì ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của voọc chà vá chân xám và rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng Ảnh: Tuấn Ba Gấu
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, đàn voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên. Vì thế, tỉnh Quảng Nam có cơ hội lớn để bảo tồn và phục vụ cho sự phát triển bền vững thông qua mô hình du lịch sinh thái, giá trị văn hóa địa phương.
Điều đáng mừng là đàn voọc chà vá chân xám đang có sự tăng trưởng về số lượng, nhiều con được sinh ra. Ảnh: Tuấn Ba Gấu
Được biết, voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN. Tại Việt Nam, voọc chà vá chân xám chỉ phân bố ở 5 tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum.
Bình luận (0)