Ngày 20-11, lãnh đạo Công an quận 10, TP HCM cho biết vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng gấp rút lấy lời khai ông Huỳnh Ngọc C. - người đã đánh nữ điều dưỡng H. của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM). Công an cũng đã phối hợp với BV giám định thương tật nữ điều dưỡng H.
Báo động "Code Grey"
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế đã yêu cầu các bản báo cáo chi tiết từ BV Nhi Đồng 1 và BV Từ Dũ - nơi bà K.S, vợ của ông C., đang làm nữ hộ sinh. Bà K.S được cho là cũng có lời nói thiếu chuẩn mực trong vụ việc. Quan điểm của sở là vụ việc cần được điều tra và khởi tố.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, ngay sau khi sự việc xảy ra, BV đã họp rút kinh nghiệm để tiếp tục tăng cường công tác an ninh. Sắp tới, BV cũng sẽ áp dụng mô hình "Code Grey" được Sở Y tế giới thiệu, là một quy trình phản ứng khẩn cấp với sự cố về an ninh trật tự.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết sắp tới sở và Công an TP sẽ tổ chức diễn tập "phối hợp trong phát hiện, ngăn chặn các sự cố gây mất an ninh, trật tự", dự kiến diễn ra tại BV Nhân dân Gia Định trong tháng 12-2019. BV Nhân dân Gia Định cũng là nơi xây dựng thành công mô hình "Code Grey".
Ông Huỳnh Ngọc C. tấn công nữ điều dưỡng H. tại bệnh viện. (Ảnh do Sở Y tế TP HCM cung cấp)
Bác sĩ chuyên khoa II Chung Bá Ngọc, Trưởng Phòng Hành chính - Quản trị BV Nhân dân Gia Định, phân tích về "Code Grey": Đó là một quy trình bảo đảm trong thời gian ngắn nhất từ khi xảy ra sự cố an ninh, tất cả các lực lượng liên quan đều được báo động. Bất kỳ sự cố xảy ra ở đâu trong BV, nhân viên y tế chỉ cần báo động khẩn cấp đến trực tổng đài. Người trực tổng đài sẽ nhấn một nút duy nhất để kích hoạt "Auto Call", một hệ thống được lập trình sẵn để điện thoại di động của trực lãnh đạo, trực hành chính, tất cả bảo vệ trong ca trực, cảnh sát khu vực và nhiều nam nhân viên được tập huấn sẵn ở các bộ phận khác. Trong khi các lực lượng an ninh lo việc lấy lại trật tự thì trực lãnh đạo, trực hành chính sẽ lo về chuyên môn, bảo đảm bố trí người, di tản bệnh nhân… để việc điều trị không bị gián đoạn; liên hệ với Công an quận Bình Thạnh và 113 để kịp thời phối hợp với cảnh sát khu vực, công an phường...
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết BV này cũng có một quy trình ứng phó khẩn cấp tương tự gọi là "Code White". Ngoài ra, nhân viên BV còn được tham gia các lớp tập huấn võ tự vệ và tâm lý giao tiếp để có thể giữ cho bản thân an toàn khi gặp phải côn đồ thực sự.
Phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Viện trưởng VKSND quận 3, TP HCM - trăn trở ngành y vốn cực nhọc, ngày đêm làm nhiệm vụ thiêng liêng cứu người. Môi trường làm việc rất căng thẳng nhưng đôi khi vẫn còn nhiều người không hiểu được tính chất công việc và có thái độ, lời lẽ làm buồn lòng y - bác sĩ, thậm chí tấn công, gây thương tích cho những người làm nhiệm vụ cứu chữa cho người thân của mình. Rất nhiều vụ án xảy ra, những người tấn công đội ngũ y - bác sĩ, điều dưỡng đã bị xử lý án tù nhưng dường như tình trạng này vẫn diễn ra liên tục. Sử dụng vũ lực với nhân viên y tế là điều không thể chấp nhận.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ phân tích hành vi đánh nữ điều dưỡng BV Nhi Đồng 1 đến gãy xương hàm mới đây, đã thể hiện thái độ côn đồ của một người đàn ông khi tấn công một phụ nữ. Hành vi này được quy định rất rõ là xử lý nghiêm trong tội cố ý gây thương tích. Cho dù tỉ lệ thương tật của nữ điều dưỡng bao nhiêu phần trăm thì người này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm m, khoản 1 điều 134 Bộ Luật Hình sự.
Hàng chục năm công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Trần Cư, đội trưởng đội bảo vệ, thừa nhận: "Rất nhiều trường hợp khi thấy người nhà bị bệnh nặng, bị thương nặng, nhiều người đã tỏ thái độ hằn học, trút mọi bực tức lên bác sĩ, điều dưỡng. Thông thường, tại Khoa Cấp cứu, Khoa Chấn thương sọ não, những nơi đông người chúng tôi thường bố trí từ 2 bảo vệ túc trực để ứng phó khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, ở những nơi này luôn có chuông báo động để điều dưỡng, bác sĩ báo động kịp thời nếu thấy không ổn hoặc sắp bị tấn công".
Theo ông Trần Cư, ngoài việc trang bị chuông báo động thì đội bảo vệ thường xuyên tập huấn xử lý các tình huống nhanh nhất khi chuông báo động reo, khống chế đối tượng như thế nào. Bên cạnh đó, đội bảo vệ được trang bị các công cụ hỗ trợ (được pháp luật cho phép) chuyên nghiệp để dễ dàng cách ly những người muốn tấn công bác sĩ ra khu vực khác.
Trang bị camera giám sát
Một mô hình được Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng trong nhiều năm qua nhằm phát hiện kịp thời những vụ bác sĩ sắp bị tấn công là trang bị hệ thống camera rộng khắp các khoa, khu khám bệnh. Nhân viên sẽ túc trực trên hệ thống và nếu phát hiện sự bất thường sẽ thông báo đến những bảo vệ khác để xử lý theo quy trình. "Sắp tới, Bộ Công an sẽ tập huấn cho các bảo vệ BV về sử dụng roi điện, công cụ hỗ trợ nhằm hạn chế thấp nhất các đối tượng có thái độ không tốt, muốn gây thương tích cho đội ngũ y - bác sĩ" - ông Trần Cư thông tin.
Chuẩn bị tâm lý giao tiếp
BS Nguyễn Minh Tiến - người đã có 27 năm làm việc trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu - một trong những khoa "nhạy cảm" nhất ở BV, cho biết tâm lý giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng mà nhân viên y tế cần nắm vững để những cuộc tranh cãi thông thường không leo thang. BV thậm chí bố trí cả những phòng tiếp khách mát mẻ, riêng tư để nhân viên y tế... mời trà những người đang nóng giận, bức xúc. Bên cạnh đó, sự hết lòng với người bệnh, cho người nhà họ thấy mình đã cố gắng hết mức dù hy vọng tưởng chừng bằng 0 cũng là cách để người nhà bớt đau lòng, bớt căng thẳng.
Bình luận (0)