Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, chất lượng dịch vụ đấu giá còn bất cập; tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông đồng, dìm giá" ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc; có tình trạng thông đồng, móc nối để trục lợi trong đấu giá; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí bị buông lỏng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: PHẠM THẮNG
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Cụ thể nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, như quy định về quy chế cuộc đấu giá; địa điểm, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; người không được đăng ký tham gia đấu giá; tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; thông báo công khai việc đấu giá tài sản... Theo cơ quan thẩm tra, các quy định này nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và cách hiểu thống nhất trong quá trình thực thi; bảo đảm quyền lợi hợp pháp và nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan đến tài sản đấu giá, cũng như hiệu quả trong hoạt động đấu giá tài sản, tránh hiện tượng thông đồng, dìm giá, làm nhiễu loạn hoạt động đấu giá tài sản.
Cùng ngày, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7-2023; cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bình luận (0)