Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tại thời điểm ngày 31-12-2021, có 10 ngân hàng có dư nợ cho vay trái phiếu doanh nghiệp (DN), mỗi ngân hàng cho vay khoảng 3.000 đến hơn 60.000 tỉ đồng.
Cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp?
VBMA dẫn dữ liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cho thấy trong khoảng 4 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN đạt 56.674 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ phát hành riêng lẻ chiếm đến 84,66%. Đáng lưu ý, trong khoảng thời gian này, có 9 đợt phát hành ra công chúng với tổng trị giá 8.696 tỉ đồng. Tính riêng các đợt phát hành ra công chúng, có 57,6% trái phiếu được thực hiện vào tháng 1, trong đó nhóm các ngân hàng thương mại chiếm gần 50% khối lượng phát hành.
So với cùng kỳ năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN trong quý đầu năm nay tăng khoảng 18,98%, tương ứng 18.346 tỉ đồng, chủ yếu xuất phát từ nhóm DN bất động sản, xây dựng và ngân hàng. Một số DN mới phát hành với khối lượng lớn, như: Công ty CP Air Link (3.810 tỉ đồng), Công ty CP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh (3.610 tỉ đồng), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỉ đồng), Công ty CP Worldwide Capital (3.410 tỉ đồng)... Đặc biệt, nhóm 6 ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 9.350 tỉ đồng.
Về dư nợ cho vay trái phiếu DN (không tính ngân hàng mua trái phiếu do ngân hàng khác phát hành), số liệu thống kê 10 ngân hàng của VBMA cho thấy tại thời điểm 31-12-2021, mỗi ngân hàng mua từ khoảng 3.000 tỉ đồng đến hơn 60.000 tỉ đồng. Riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố khối lượng đầu tư trái phiếu ở mức 6.600 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản là 4.100 tỉ đồng.
Mặc dù tài sản bảo đảm trái phiếu mà một số ngân hàng đầu tư đều an toàn, có tính thanh khoản cao song không ít chuyên gia am hiểu thị trường tài chính cho rằng có thể ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu DN thời gian gần đây nhằm cơ cấu lại nợ cho DN. "Nếu đến kỳ hạn không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp DN trả nợ đúng hạn, nợ xấu của ngân hàng không tăng lên" - một chuyên gia lý giải.
Mặt khác, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết cho vay đầu tư dự án nhà đất thì việc mua trái phiếu DN có thể là cách thức để các ngân hàng thương mại cho vay bất động sản nhằm mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng. Việc này cũng giúp ngân hàng thương mại được cấp hạn mức cho vay nhiều hơn vào năm tiếp theo, đồng thời tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại giảm không quá 3% theo đúng quy định.
Nhiều ngân hàng ồ ạt cho vay trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian quaẢnh: TẤN THẠNH
Săn tìm lợi nhuận cao
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết trái phiếu DN là một kênh huy động vốn và đầu tư tài chính khá hiệu quả của mỗi ngân hàng. Khi một ngân hàng phát hành trái phiếu thành công nghĩa là đã huy động được hàng ngàn tỉ đồng tiền gửi dài hạn để tăng thêm nguồn lực tài chính, phục vụ hoạt động kinh doanh, nhất là tài trợ vốn dài hạn cho các dự án lớn. Ngược lại, ngân hàng bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua trái phiếu do DN phát hành là một hình thức đầu tư tài chính, nói cách khác là ngân hàng cho DN vay tiền thông qua việc mua trái phiếu.
"Với cách thức này, DN chỉ cần có tài sản hình thành trong tương lai rồi giao tài sản đó cho ngân hàng nắm giữ, có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, các dự án đầu tư có tính khả thi... là vay được tiền. Bù lại, ngân hàng sẽ cho vay với lãi suất cao nhằm đạt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra" - lãnh đạo một ngân hàng phân tích.
TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận nếu bên vay sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư dự án hiệu quả thì việc ngân hàng cho DN vay tiền thông qua mua trái phiếu sẽ đem lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà ngân hàng phải mua trái phiếu DN bằng mọi giá hoặc trường hợp DN phát hành mất khả năng thanh toán vì nguyên nhân khách quan thì ngân hàng sẽ dính nợ xấu. "Khi đó, hai bên phải phối hợp để xử lý số tài sản mà DN đã giao cho ngân hàng giữ hộ và không biết bao giờ giải quyết xong!" - TS Lê Đạt Chí cảnh báo.
Không được mua trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu nợ
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, sau khi nhiều vụ việc liên quan đến phát hành trái phiếu xảy ra gần đây, có thể các ngân hàng thương mại sẽ hết sức cẩn trọng trong việc đầu tư vào trái phiếu DN. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15-1, quy định khá chặt chẽ về cho vay thông qua trái phiếu. Theo đó, các ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu DN khi ngân hàng đó có tỉ lệ nợ xấu dưới 3%, phải giám sát dòng tiền của DN phát hành sau khi mua trái phiếu của DN và không được mua trái phiếu DN để cơ cấu nợ cho DN phát hành; góp vốn mua cổ phần và để tăng vốn...
Bình luận (0)