Đường hỏng thì khắc phục để cho dân đi lại là chuyện bình thường, thậm chí đáng hoan nghênh. Thế nhưng, việc sửa đường lại rất bất thường, bởi những con đường đó vừa được nâng cấp, xây dựng cách đây chưa lâu. Tổng kinh phí làm 3 con đường trên là hơn 15 tỉ đồng. Trong năm 2016 và đầu năm 2017, cả con đường đều được nâng cấp với tổng kinh phí gần 20 tỉ đồng. Tiền đổ ra là vậy nhưng chỉ một thời gian ngắn, cả 3 con đường hư hỏng nặng, sạt lở sâu cả chục mét và người dân ở khu vực này không dám qua lại. Thay vì tìm nguyên nhân chính gây hư hỏng, truy trách nhiệm của các đơn vị thi công, giám sát thì cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum lại vội kết luận đường hư do... mưa và lập tức có tờ trình xin UBND tỉnh cấp 5 tỉ đồng để sửa chữa.
Làm đường thì phải khảo sát kỹ càng mưa lũ ra sao, thiết kế có bảo đảm an toàn và biện pháp thi công có thích hợp hay không, chứ cứ lấy tiền ngân sách ra làm, vài bữa hư thì đổ cho mưa bão rồi sửa tiếp thì công khố nào chịu nổi! Làm đường để phát triển kinh tế - xã hội vùng nhưng không sử dụng được thì sẽ trở thành gánh nặng của người dân.
Mà không đâu làm đường như ở ta, chi cả ngàn tỉ đồng nhưng không bao lâu lại hỏng và cứ thế đổ thừa cho bao nhiêu nguyên nhân rất quái lạ. Con đường gây nhiều chú ý nhất trong thời gian qua là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng. Sau nhiều lần trễ hẹn, đường này gấp rút hoàn thành để thông xe vào dịp lễ 2-9. Chỉ hơn một tháng sau, qua vài cơn mưa, con đường này xuất hiện hàng loạt vết bong tróc, tạo thành ổ gà, loang lổ. Đây là cao tốc, ôtô có thể chạy đến 120 km/giờ. Nếu mặt đường không an toàn thì hậu quả không lường nổi.
Từ Nam chí Bắc, những con đường vừa làm đã hỏng có mặt khắp nơi. Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Diễn Châu - Quán Hành (Nghệ An) dài 23,4 km do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, tổng vốn 1.227 tỉ đồng; hoàn thành năm 2015, đến nay mặt đường bong tróc, hằn lún khắp nơi. Quốc lộ 1 qua Bình Định - Phú Yên cũng tương tự. Đoạn Quốc lộ 1 qua huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cũng thế, hằn lún mặt đường rất nhiều nhưng một quan chức Sở Giao thông Vận tải tỉnh này cho rằng "tổ chức nhiều hội thảo rồi, có nhiều giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu nhưng cũng... không biết nguyên nhân". Không biết nguyên nhân thì mỗi khi hư phải sửa, sửa rồi lại hư và ngân sách cứ thế tiếp tục chi cho con đường chẳng biết khi nào dừng.
Chất lượng như thế nhưng số tiền đầu tư cho 1 km đường ở Việt Nam luôn cao hơn các nước ở cùng địa hình. Vấn đề này đã nhiều lần được các đại biểu nêu ra tại những kỳ họp Quốc hội nhưng các cơ quan hữu trách chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Còn về phía người dân, họ luôn thắc mắc với những con đường vừa làm đã hỏng thì thực chất số tiền đầu tư có hoàn toàn dùng để làm đường? Trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, giám sát ở đâu hay sau những con đường này lại có bóng dáng của anh Hai chạy xe ôm, chị Ba bán chổi đót...?
Bình luận (0)