Theo báo cáo về kế hoạch kinh doanh đã được HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phê duyệt vào tháng 6-2020, năm 2020, VNR dự kiến sản lượng và doanh thu hợp cộng toàn tổng công ty bằng 77% trở lên so với năm 2019. Đáng chú ý, VNR dự kiến lỗ sau thuế hơn 1.394 tỉ đồng trong năm 2020. Đây là con số lỗ kỷ lục của ngành từ trước đến nay.
Covid-19 khiến thêm bết bát
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc VNR, cho biết hoạt động sản xuất - kinh doanh dự kiến lỗ 711,88 tỉ đồng. Trong đó, 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn dự kiến lỗ 618,29 tỉ đồng (đã tính đến tác động từ dự án 7.000 tỉ đồng và dự kiến đến hết tháng 6 công bố hết dịch Covid-19).
Với công ty mẹ - VNR dự kiến lỗ 168,4 tỉ đồng (theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) phê duyệt ngày 9-1-2020, trong đó đã tính một phần ảnh hưởng từ dự án 7.000 tỉ đồng nhưng chưa điều chỉnh theo tác động của dịch Covid-19). Còn lại, 20 công ty cổ phần đường sắt dự kiến lãi tổng cộng gần 70 tỉ đồng; 3 công ty cổ phần khối công nghiệp, cơ khí (chưa tính ảnh hưởng do dịch Covid-19) dự kiến lãi gần 5 tỉ đồng.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, miễn nộp các loại thuế, phí
Ngoài ra, VNR cũng dự kiến ghi nhận các khoản lỗ khác như xử lý tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang của công ty mẹ, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 là 682,4 tỉ đồng. Cùng với đó là chi phí khấu hao, hao mòn tài sản theo quy định phải hạch toán vào chi phí nhưng chưa có nguồn thu bù đắp tổng cộng gần 59 tỉ đồng.
Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ đến tác động của dịch Covid-19, kết quả kinh doanh năm 2020 của VNR có thể còn bi đát hơn mức lỗ dự kiến gần 1.400 tỉ đồng. Trước đó, 2019 cũng là một trong năm đầy khó khăn đối với VNR, khi tất cả các chỉ tiêu vận tải đều sụt giảm.
Lại than khó do cơ chế!
Theo Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh, ngành đường sắt đang gặp áp lực cạnh tranh khá gay gắt từ các loại hình vận tải khác, trong khi còn vướng nhiều cơ chế, chính sách để làm lực đẩy phát triển.
Năm 2019, kết quả chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí còn là một trong 3 giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt vào các năm 1979, 1984 và 2019. Một trong những nguyên nhân là vướng mắc về cơ chế để đầu tư, phát triển hạ tầng đường sắt.
"Kết cấu hạ tầng trực tiếp và nhà ga đều của nhà nước nhưng không có cơ chế để DN tự đầu tư. Nhà nước không có vốn, DN có tiền cũng không thể bỏ ra để đầu tư. Đơn cử, ga Sông Lũy (tỉnh Bình Thuận) chỉ cần hơn 30 tỉ đồng để làm thêm đường sắt, kéo dài đường ga, sẽ tạo thuận lợi mỗi năm tăng được 200 tỉ đồng doanh thu, do vướng cơ chế nên không thể triển khai. Đây là nút thắt rất lớn" - ông Minh nêu dẫn chứng.
Đặc biệt, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới và cự ly ngắn, trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt. Đó là chưa kể áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa... Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, cho rằng ngành đường sắt còn gặp nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là công tác quản trị, cạnh tranh giữa các ngành, điều kiện cơ sở để phát triển còn hạn chế.
"Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có dịch vụ bán vé" - bà Phú Hà nhìn nhận.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã làm việc với VNR, đề ra các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh và mong muốn các bộ, ngành, đơn vị, địa phương hỗ trợ tổng công ty, sớm trình Chính phủ đề án về kết cấu hạ tầng, có thêm các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển ngành trong những năm tới.
Về giải pháp, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay sẽ tổ chức chạy tàu phù hợp với nhu cầu vận tải bị sụt giảm mạnh do dịch Covid-19, cắt giảm tàu khu đoạn khi lượng khách sụt giảm, tăng ga đỗ các tàu đường dài phục vụ du khách, tăng cường tổ chức chạy tàu hàng Bắc - Nam để bù đắp sụt giảm hành khách. Cùng với đó, triển khai phương án vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế khi không chạy tàu khách do dịch. VNR cũng tập trung nghiên cứu áp dụng một số giải pháp để giảm chi phí, hạ giá thành dịch vụ.
Hơn 3.000 lao động nghỉ việc không lương
Từ tháng 2-2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19, sản xuất - kinh doanh của nhiều đơn vị đường sắt gặp nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị vận tải. Bốn tháng đầu năm, do dừng chạy tàu trên các tuyến, đã có hơn 3.000 lao động khối vận tải phải nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên, dẫn đến thu nhập bị ảnh hưởng, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, ngành đường sắt với hàng chục ngàn lao động đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì thế, VNR kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành có cơ chế hỗ trợ DN, miễn nộp các loại thuế, phí; khoanh nợ các khoản vay...
Bình luận (0)