Ngày 23-12, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.
Tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động
Báo cáo tóm tắt hoạt động của ngành tuyên giáo trong năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - cho hay ngành tuyên giáo đã chủ động, tích cực triển khai xây dựng 22 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đã có 5 văn bản được ban hành, triển khai thực hiện. Khối lượng đề án lớn, khó, nhạy cảm, chưa có tiền lệ nhưng được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Ngành tuyên giáo cũng tham mưu tổ chức tốt hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt văn kiện Hội nghị lần thứ 5, 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hình thức tổ chức có nhiều đổi mới từ khâu chuẩn bị tài liệu, phục vụ hội nghị đến hình thức truyền đạt nghị quyết. Số lượng điểm cầu ở từng hội nghị lên tới gần 12.000 điểm; thành phần tham gia được mở rộng, chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh ngành tuyên giáo cần tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới
Bên cạnh đó, kịp thời hướng dẫn việc triển khai nhiều nhiệm vụ lớn, mới, khó, nhạy cảm, phức tạp. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; nội dung có nhiều đổi mới, tập trung vào xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Ngành tuyên giáo cũng làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, định hướng dư luận xã hội, báo chí - xuất bản và tổ chức nhiều sự kiện lớn ấn tượng, nổi bật so với năm 2021.
"Ngành tuyên giáo đã thể hiện rõ vai trò "đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết"; tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng và xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc..." - báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn chỉ ra 5 kinh nghiệm rút ra từ công tác tuyên giáo năm 2022. Thứ nhất, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng. Thứ hai, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sâu sát; năng động, sáng tạo, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới phương pháp, phong cách làm việc khoa học, phân công, phân cấp rõ người chịu trách nhiệm đến cuối cùng. Thứ ba, bám sát tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị; tập trung tháo gỡ và giải quyết dứt điểm nút thắt, điểm nghẽn; tăng cường kiểm tra, giám sát. Thứ tư, phối hợp tốt giữa các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Thứ năm, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tuyên giáo thống nhất, liên thông, đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Vận dụng, kế thừa các kinh nghiệm
Bên cạnh những thành tích đạt được, hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khó khăn của công tác tuyên giáo. Chẳng hạn, việc kiểm tra, giám sát xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được quan tâm nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa rõ nét. Một số cơ quan báo chí, truyền thông còn thiếu nhạy bén trong đưa tin; việc nắm bắt, định hướng chính trị, tư tưởng, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề dư luận quan tâm còn hạn chế...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh ngành tuyên giáo tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bám sát những định hướng lớn trong Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh để làm căn cứ lý luận và thực tiễn tham gia xây dựng đề cương, nội dung các văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức; nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, nhất là nội dung văn kiện các Hội nghị lần thứ 7, 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
"Từ năm 2023 đến hết nhiệm kỳ, trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản cần tập trung định hướng, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng bộ các cấp; cổ vũ cán bộ, đảng viên phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đấu tranh phê phán những cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên thờ ơ, thụ động, thiếu trách nhiệm, cản trở việc thực hiện nghị quyết" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, tập trung sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có những yêu cầu mới, nhất là đổi mới tư duy lý luận; xác định đúng, trúng đối tượng, phạm vi, hình thức, phương pháp đấu tranh; giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa xây, phòng và chống...
Ngành tuyên giáo cũng cần tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó trọng tâm là thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Việc xây dựng các hệ giá trị cần xác định rõ nội hàm, vị trí, vai trò, mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị, giữa các giá trị trong từng hệ giá trị. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền, cổ động để thống nhất về nhận thức, hành động, làm cho văn hóa thực sự là sức mạnh tinh thần, "sức mạnh mềm" trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
Phát huy nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa
Muốn phát triển văn hóa không chỉ hô hào mà phải có thực lực, nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, trung ương đã quan tâm hơn đến đầu tư để nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa cấp quốc gia; lan tỏa đến các địa phương để khắc phục hạn chế không bố trí đủ ngân sách cho ngành văn hóa. Nhiều địa phương đã tăng phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa như các tỉnh Bắc Giang, Đắk Lắk, Kon Tum, Phú Thọ, Bình Thuận; nhiều địa phương còn khó khăn nhưng cũng tăng chi ngân sách cho văn hóa như các tỉnh Vĩnh Long, Lào Cai, Ninh Bình. Điểm nhấn lớn nhất là TP Hà Nội bố trí hơn 15.000 tỉ đồng đầu tư cho văn hóa trong giai đoạn 2021 - 2025.
Về đội ngũ cán bộ, đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa - thể thao và du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035" và nghị định về chính sách đặc thù cho đội ngũ lao động trong lĩnh vực nghệ thuật đang được trình Chính phủ. Chúng ta không thể trông chờ vào nguồn lực đầu tư công trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, mà cần phát huy nguồn lực xã hội. Cần sửa một số quy định pháp luật để huy động nguồn lực phong phú, góp phần hiện thực hóa cơ sở vật chất của ngành văn hóa vốn đang gặp khó khăn.
Thượng tướng TRẦN QUỐC TỎ, Thứ trưởng Bộ Công an:
Chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
Đảng ủy Công an Trung ương đã tổ chức triển khai chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước về tổ chức cán bộ; tham mưu ban hành và triển khai trong toàn quốc Nghị quyết 12/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn tinh, gọn, gắn với điều chỉnh phân công, phân cấp hợp lý.
Trong thời gian tới, Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong thực hiện Kết luận 21/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Bình luận (0)