Vườn Quốc gia (VQG) Bến En trải dài trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là VQG có hệ sinh thái độc đáo với những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, có hồ nước lớn mênh mông với khoảng 16 hòn đảo lớn nhỏ. Len lỏi giữa VQG hiện còn nhiều ngôi làng của người dân bản địa, sống dựa vào rừng, mưu sinh trên lòng hồ.
Chài lưới để mưu sinh
Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 4-5 giờ sáng, khi núi rừng vẫn chìm trong giấc ngủ, ông Hà Văn Nguyện (ngụ thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh) lại thức giấc để chuẩn bị cho một ngày làm việc. Đồ nghề chỉ có con thuyền nhỏ, lưới và một số dụng cụ bắt cá. Hôm nay, con trai có việc nên ông đi thả lưới cùng vợ.
Vợ chồng ông Bùi Văn Thủy mưu sinh trên hồ Bến En
Khu vực hồ Bến En, nơi ông Nguyện thả lưới, chỉ cách nhà khoảng vài trăm mét, nên đi bộ một quãng là tới nơi. Vợ chồng ông bắt đầu giong thuyền ra hồ. Tới khu vực giữa hồ, nơi được cho sẽ có nhiều cá, người vợ chèo thuyền chậm lại để giữ thăng bằng, còn ông Nguyện tay thoăn thoắt thả từng mẻ lưới. Thả lưới xong, vợ ông ngưng thuyền, cầm ngược mái chèo đập liên hồi xuống mặt hồ tĩnh lặng.
Theo ông Nguyện, làm như thế để xua đuổi đàn cá thức giấc bỏ chạy và mắc vào lưới. Thời điểm này, trên hồ trời vẫn tối. Nhiều ánh đèn pin từ phía xa hắt lại kèm những tiếng nói cười. Họ cũng là những người bắt đầu một ngày mới như vợ chồng ông Nguyện.
Ông Bùi Văn Chinh khoe chiến lợi phẩm là cá bống - một loại đặc sản trên hồ
Trong lúc chờ thu lưới, ông Nguyện kể cho chúng tôi biết về cơ duyên nghề sông nước gắn với người dân nơi đây. Năm 1977, khi sông Mực được chặn dòng, tích nước, hồ Bến En hình thành, nguồn lợi thủy sản trở nên phong phú, đa dạng, nghề chài lưới trên lòng hồ cũng ra đời.
"Khu vực chúng tôi ở, ngày trước chỉ là những con suối nhỏ. Khi hồ Bến En hình thành, cả vùng mênh mông nước. Để thích nghi với môi trường mới, dân làng bắt đầu làm thuyền, đan lưới đánh bắt cá. Chúng tôi là những thế hệ đầu tiên làm nghề chài lưới khi hồ tích nước. Ngày trước, xuống hồ đánh cá chỉ để cải thiện bữa ăn. Về sau, nhiều loại cá trên hồ có giá trị, được thương lái thu mua nên có nhiều gia đình dựa vào nghề chài lưới để mưu sinh" - ông Nguyện kể.
Lượng cá ngày càng giảm
Gần 40 năm chìm nổi trên lòng hồ, theo ông Nguyện, Bến En có rất nhiều loại cá thơm ngon, trở thành đặc sản, như: chày, nheo, na, lún, hòa bình… Đây là những loài thủy sản có từ trước, khi hồ chưa tích nước. Sau này, nước lớn, cá có môi trường sống tốt hơn nên sinh sôi, nảy nở rất nhiều.
"Ngoài những loại cá bản địa, giờ cũng có rất nhiều loài cá được thả khi hồ tích nước như chép, trôi, mè… Trong đó, cá mè sông Mực ngon nổi tiếng, có nhiều người đánh được những con nặng tới 30-40 kg" - ông Nguyện cho hay.
Sau một hồi trò chuyện, vợ chồng ông Nguyện tiến hành thu lưới. Lúc này, bình minh ló dạng. Núi rừng hiện ra yên bình, in bóng xuống lòng hồ tĩnh lặng. Mẻ lưới đầu tiên, ông Nguyện thu được khoảng 2 kg cá, chủ yếu là cá na, cá lún. So với mọi hôm, thành quả thu được không như kỳ vọng. Vợ chồng ông Nguyện lại giong thuyền, tìm vị trí mới để thả lưới.
Công việc cứ lặp lại như thế cho đến khoảng 8 giờ sáng thì vợ chồng ông Nguyện thu lưới. Cá sẽ được thương lái thu mua hoặc vợ ông mang xuống chợ bán.
Trên lòng hồ, ngoài những người đánh cá bằng lưới như ông Nguyện, còn có nhiều người dân làm nghề đánh bắt tôm, cá bống. Đây cũng là những loài đặc sản trên lòng hồ, giá trị kinh tế rất cao.
Ông Bùi Văn Chinh (SN 1973, ngụ làng Lúng, xã Xuân Thái) là người chuyên dùng lồng bát quái đánh bắt tôm, cá bống. Đêm xuống, ông Chinh giong thuyền ra hồ thả lồng bát quái. Đến khoảng 4-5 giờ sáng hôm sau, ông giong thuyền ra hồ bắt đầu thu hoạch. Khi mặt trời ló dạng, thương lái đánh ca nô ra tận nơi để thu mua.
"Hôm nào đánh được thì có thể kiếm khoảng 800.000 tới 1 triệu đồng. Còn bình thường, chúng tôi kiếm được khoảng 400.000-500.000 đồng. Trong thôn, hiện có khoảng 15 người đánh lồng bát quái. Tôm, cá bống thường chỉ đánh từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm" - ông Chinh nói.
Ông Bùi Văn Thủy (SN 1972, ngụ thôn cây Nghia) cho biết ngày trước, người dân xuống hồ đánh bắt cá chủ yếu cải thiện bữa ăn, chứ không nghĩ tới chuyện kinh doanh buôn bán. Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều loài cá trên hồ được các nhà hàng dưới phố thu mua rất nhiều. Từ đó, nghề này mới được nhiều người biết tới.
Ông Hà Văn Nguyện đang đan một chiếc thuyền mới
"Nghề này làm giàu thì khó lắm, nhưng nếu chịu khó cũng đủ để gia đình trang trải cuộc sống thường ngày và nuôi 2 đứa nhỏ đi học. Trung bình, mỗi buổi đi thả lưới, chúng tôi có thể kiếm được 200.000 đồng. Hôm nào trúng lộc, được cá lớn, thu nhập có thể còn cao hơn" - ông Thủy kể.
Một số người có kinh nghiệm đánh bắt cá trên hồ cho biết gần đây, lượng cá đánh được ngày càng giảm. Một phần do số người làm nghề chài lưới trên sông ngày càng đông. Phần nữa là vẫn có nhiều người lén lút đánh cá bằng kích điện, khiến cho cá nhỏ chưa kịp lớn đã chết hết.
"Hai năm qua, dịch Covid-19 bủa vây, người dân ở các tỉnh mất việc trở về địa phương đông, không có công ăn việc làm nên họ phải ra hồ mưu sinh. Ngoài ra, hồ Bến En hiện đã được một đơn vị thuê, nếu ai đánh bắt cá lớn phải nộp tiền theo tháng. Chúng tôi toàn những hộ khó khăn, không đóng tiền nên thường xuyên bị xua đuổi" - một người dân xã Xuân Thái cho hay.
Hy vọng có thể sống khỏe
Do được thiên nhiên ban tặng phong cảnh tuyệt đẹp, VQG Bến En hiện được một doanh nghiệp đầu tư khoảng 11.000 tỉ đồng để biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng sinh thái. Trong đó, tại xã Xuân Thái sẽ có những làng du lịch cộng đồng mang nét hoang sơ do chính những người dân bản địa làm chủ.
Đây cũng là cơ hội để bà con hành nghề chài lưới vùng lòng hồ Bến En hy vọng có thể sống khỏe, nhờ cung ứng thực phẩm cho hoạt động du lịch.
"Thời gian qua, gia đình đã được nhiều người làm du lịch đặt mua cá, tôm để phục vụ khách đến Bến En chơi. Tới đây, khi làng du lịch cộng đồng tại địa phương chính thức đi vào hoạt động, hy vọng người dân chúng tôi sẽ có nguồn thu ổn định từ nhiều nghề, trong đó có chài lưới" - ông Nguyện bộc bạch.
Theo ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc VQG Bến En, hiện trong phạm vi quản lý của vườn có khoảng 10 bản, làng của 2 huyện sinh sống, trong đó có hàng trăm hộ sống nhờ vào nghề sông nước.
"Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người dân đánh bắt cá trên hồ, đây cũng là nghề đã gắn bó với họ từ lâu. Tuy nhiên, vườn vẫn thường xuyên nhắc nhở bà con khai thác đúng quy định, đúng mùa để bảo vệ môi trường, bảo đảm hoạt động khai thác thủy sản lâu dài, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người dân không được đánh bắt theo kiểu tận diệt, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm" - ông Nghị nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết trong xã này hiện có hàng chục hộ mưu sinh trên lòng hồ, trong đó làng Lúng và Cây Nghia có nhiều người theo nghề này. Theo ông Đại, kể từ khi sông Mực tích nước hình thành hồ Bến En, nghề chài lưới cũng ra đời, người dân lúc đầu đánh bắt cá cũng chỉ để cải thiện bữa ăn nhưng theo thời gian, nhiều loài cá trên hồ được biết tới và trở thành đặc sản. Từ đó, giúp nhiều bà con có thêm thu nhập.
"Hiện xã Xuân Thái được quy hoạch là một trong những điểm du lịch cộng đồng và là điểm đặt cáp treo tham quan VQG Bến En. Vì thế, nghề sông nước của người dân rất quan trọng, là nguồn cung cấp thực phẩm đa dạng, độc đáo, góp phần đa dạng các hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương" - ông Đại thông tin.
"Hạ Long trên cạn"
VQG Bến En được thành lập từ năm 1992, thuộc huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách TP Thanh Hóa khoảng 45 km về phía Tây Nam. Với phong cảnh thiên nhiên phong phú, đa dạng, Bến En được ví như "Hạ Long trên cạn" của xứ Thanh bởi vẻ đẹp hoang sơ, rừng xanh bạt ngàn, mây nước lung linh. Đến tham quan Bến En, ngoài thỏa sức khám phá núi rừng, sông nước, mảnh đất và con người nơi đây, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản của miền núi xứ Thanh, trong đó có nhiều món được chế biến từ cá đánh bắt dưới lòng hồ.
Bình luận (0)