Vụ cháy lớn gần như thiêu rụi chợ Tam Bạc ngày 12-2 vừa qua là sự cảnh báo đắt giá khi ở TP Hải Phòng có hàng trăm chợ truyền thống tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Họng nước không có nước
Dù lực lượng chức năng ở TP Hải Phòng đã huy động tối đa lực lượng với khoảng 50 xe chữa cháy chuyên dụng cùng 1.185 người của nhiều lực lượng để chữa cháy nhưng vẫn không thể ngăn được vụ cháy lớn tại chợ Tam Bạc nằm ở phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng. Đây là chợ truyền thống nổi tiếng và thuộc hàng lớn nhất Hải Phòng, kinh doanh các mặt hàng vải, quần áo, giày dép. Vụ cháy đã thiêu rụi 665/775 quầy hàng của tiểu thương, với thiệt hại tài sản ước tính hàng trăm tỉ đồng. Nguyên nhân vụ cháy đang tiếp tục được điều tra, làm rõ nhưng có thể nhận thấy ngay là việc không bảo đảm các yêu cầu về PCCC, thậm chí một số họng nước trong chợ khi mở ra không có nước.
Đây không phải là lần đầu xảy ra hỏa hoạn lớn tại các chợ thương mại ở Hải Phòng. Gần đầy nhất, đêm 12-10-2021, chợ Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên) bị cháy, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP Hải Phòng, cho biết: "Không chỉ chợ Tam Bạc, mà còn có chợ Ga và chợ An Dương, chợ Cát Bi… là những chợ lớn được bao bọc bởi các khu dân cư và có nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, một số ban quản lý chợ và người dân thì ý thức chưa cao về PCCC".
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động, tại Hải Phòng, hầu hết các chợ đều nằm liền, xen lẫn trong khu dân cư tập trung, quanh chợ là các hộ gia đình có kinh doanh buôn bán làm khoảng cách an toàn chống cháy lan, thoát nạn khi xảy ra sự cố đều không bảo đảm yêu cầu về PCCC, đặc biệt hầu hết các chợ không bảo đảm nguồn nước để phục vụ chữa cháy.
Cùng với đó, hệ thống điện tại các quầy trong chợ nhiều nơi chưa bảo đảm an toàn. Tình trạng bảng điện, dây dẫn điện buộc hoặc để trực tiếp trên các chất, vật liệu dễ cháy. Nhiều hộ kinh doanh còn tự ý đấu mắc thêm thiết bị điện không theo thiết kế ban đầu, làm tăng thêm phụ tải dẫn đến nguy cơ cháy do sự cố điện…
Đặc biệt, một số chợ lớn trên 500 hộ kinh doanh còn không lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động. Nhiều chợ không lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy, trang bị chữa cháy xách tay thiếu so với yêu cầu. Tình trạng hàng hóa, lấn chiếm đường, lối đi, chiếm dụng lối thoát nạn làm nơi chứa hàng diễn ra khá phổ biến. Cũng theo ghi nhận, tại Hải Phòng vẫn xảy ra hiện tượng thắp hương, đốt vàng mã ngay trong chợ.
Không thể lơ là, chủ quan với "bà hỏa"
TP Hải Phòng hiện có trên 120 chợ lớn nhỏ, trong đó khoảng trên 20 chợ có quy mô lớn như chợ Ga, chợ Tam Bạc, chợ An Dương, chợ Hòa Bình, chợ Quán Toan, chợ Đoàn Kết… Có một nghịch lý là trong khi cơ quan chức năng luôn lo lắng trước nguy cơ cháy nổ thì ban quản lý, các hộ kinh doanh trong chợ là chủ nhân của tài sản, hàng hóa trị giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng lại lơ là, chủ quan.
"Để bảo đảm an toàn PCCC, từ đó kéo giảm số vụ cháy, nổ cũng như thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra đối với loại hình chợ truyền thống, các ban quản lý chợ cũng như các hộ, đơn vị kinh doanh phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC, bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở" - đại tá Hoàng Văn Bình khuyến cáo.
Hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ đồng của các hộ tiểu thương chợ Tam Bạc bị thiêu rụi
Bên cạnh ý thức của các hộ kinh doanh, trách nhiệm của ban quản lý chợ thì sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống "giặc lửa". Đặc biệt là sự chủ động trong quy hoạch, đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống PCCC hợp lý đối với hệ thống chợ. Đây cũng là cách phòng ngừa hiệu quả, tránh tình trạng "nước xa không cứu được lửa gần".
Chủ động trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy mô tính chất hoạt động như hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy trong và ngoài nhà, bình chữa cháy... Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng các phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở. Định kỳ huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ, các tiểu thương và các hộ, đơn vị kinh doanh trong khu vực quản lý.
Thường xuyên thực tập phương án chữa cháy tại chỗ, bảo đảm có thể xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp hàng. Khi bố trí ngành hàng, chất hàng, phải tính toán đến tính chất nguy hiểm cháy nổ của từng loại hình kinh doanh (như bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy)...
"Các ban quản lý chợ cũng cần tăng cường kiểm tra nhắc nhở các tiểu thương, hộ, đơn vị kinh doanh, khách mua hàng hóa trong việc bảo đảm an toàn PCCC như không thắp hương, đốt vàng mã trong khu vực kinh doanh. Bố trí hàng hóa vật tư bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, không bố trí hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, không bố trí lấn chiếm lối đi phục vụ thoát nạn. Ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng..." - đại tá Hoàng Văn Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)