Những bầu trời như vậy, thường là sẽ rất nóng.
Tôi đi trong cái hầm hập từ bầu trời xanh thẳm đổ lửa xuống, trong hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng đô thị của bê-tông đan xen lúc thì nhịp điệu rõ ràng ngôn ngữ kiến trúc, lúc thì cũ kỹ sót lại, chằng đụp lô nhô những khu nhà chung cư cũ. Qua cả con đường giờ không một bóng cây.
Tôi ngồi bên chén trà và nhớ về một thuở cũ. Tôi không còn nhớ cái nắng ngày xưa có như bây giờ không nhưng tôi nhớ những không gian của đường phố ngày đó. Tôi nhớ những con phố với những kiến trúc đều đặn, nhớ cả những cái nghèo lầm bụi của đoạn phố Cát Linh kéo đến tận nhà máy gạch Đại La, bây giờ là khách sạn Pullman.
Tôi nhớ những hồi còi tan tầm vang khắp thành phố. Tiếng còi tan tầm là thứ tôi điểm danh đầu tiên của ký ức, mất đi cùng sự cũ kỹ của các nhà máy cơ khí.
Nơi vỉa hè ở một khu đô thị chỉ hơn mười năm trước còn là những cánh đồng lúa, nối tiếp nhau và trải dài tưởng như bất tận, dưới bóng một cây lộc vừng trồng trước hè nhà, nghĩ về nghề nghiệp với những mong manh, thảng hoặc và chắp vá, tôi nhớ về cái đã mất đi thứ hai: Nghề bơm mực bút bi.
Nhiều thứ nghề đã không còn nữa nhưng tôi nhớ nhất cái nghề này. Bởi nó đơn giản để kiếm sống chỉ sau nghề bơm xe đạp. Có lẽ bất kỳ con phố hay khu tập thể nào cũng hiện diện ít nhất dăm ba ông gầy gò hay bà tầm tầm ngồi bên một cái bàn nhỏ xiu xíu cùng thứ đồ nghề này. Bút bi hết mực mang ra bơm lại. Mực có khi ứ ra đầu bi đến nhoe nhoét và không đều nhưng còn rẻ chán nếu đi mua một cái bút khác.
Hà Nội của chơi bi đánh đáo, chơi khăng đổ dế, của những trưa hè vắng lặng rủ nhau đi trèo me trèo sấu, hay đi bơi mạn Quảng Bá với một rặng ổi thích thú, rẽ ngoặt qua Nghi Tàm vào những nhà bán cá chọi với những dãy bể san sát..., chẳng còn nữa.
Những tiếng ve đu cành sấu, tiếng ve náu cành me trên những râm ran một trưa nắng vắng tênh hình như bây giờ cũng chả còn nhiều nữa.
Hà Nội, những xưa cũ chỉ còn rơi rớt với lịch sử tại một đôi nơi. Tôi chỉ cho con tôi vết đạn đại bác ở Bắc Môn, cánh cổng thành bằng gỗ nặng trịch chạy trên những bánh xe đồng có sức tải 80 kg được phục chế. Nóc Bắc Môn là nơi thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, cũng chính là nơi Hoàng Diệu treo cổ tuẫn tiết.
Cố để cho các con tôi có một hình dung nào đó về một Hà Nội mà tôi đã đi qua. Cũng như tôi có thể chỉ cho chúng những công trình mà tôi đã thiết kế, để dành phần phán xét cho chúng sau này. Những hình ảnh, dù sao cũng còn có thể in vào tâm thức nhưng tôi có thể không, chỉ cho chúng một Hà Nội với sự không vội vã, một Hà Nội với vẻ yên bình kể cả trong một cái nóng gắt như hôm nay?
Làm sao tôi có thể mang được cái không gian xưa, cái nghèo nàn xưa nhưng yên ả hơn về cho con tôi? Làm sao tôi có thể mang cho chúng cái cảm giác thèm muốn bát phở bò đang bốc hương ngào ngạt ở hàng phở Sinh trong những đêm đông đi học về muộn, chỉ cần đi bên này đường, nhìn sang ánh đèn măng-sông sáng xanh là đã thấy nước bọt dâng lên nghẹn họng?
Hà Nội vẫn còn những hàng quà, những thức quà xưa, vẫn còn những giá trị cũ lưu giữ. Nhưng Hà Nội không còn những cảm giác êm đềm xưa cũ nữa.
Hà Nội đã mất đi nhiều thứ và cũng đồng thời nghèo đi nhiều thứ trong cái loang loáng của cao ốc rạng ngời, trong hoành tráng của khách sạn năm sao và hiện đại của những khu đô thị mới...
Bình luận (0)