Huyện Tiên Phước của tỉnh Quảng Nam hiện nay là vùng trung du. Dù vậy, cách đây khoảng 100 năm, nơi đây là rừng núi hoang vu, cây cổ thụ bạt ngàn với nhiều loại thú hoang dã sinh sống, đặc biệt là loài cọp.
Loài mãnh thú này trở thành nỗi khiếp sợ với người dân địa phương vì chúng nhiều lần về làng giết hại gia súc và cả con người để ăn thịt. Trước tình trạng này, người dân trong vùng đã tổ chức nhiều nhóm trai tráng để tiêu diệt cọp, trừ hại cho dân. Vào năm Tân Hợi 1911, triều đình Huế ban chiếu dụ gửi về cho các địa phương. Dụ nói loài cọp dữ thường gây tai họa cho người và súc vật các huyện miền núi, cho phép các huyện tổ chức các phường săn bắt cọp.
Cụ Đoàn Hứa đã bước qua tuổi 90 nhưng còn rất minh mẫn
Trong số những người từng tham gia phường săn cọp ngày xưa ở Tiên Phước, rất ít người đang còn sống. Cụ Đoàn Hứa (90 tuổi, trú xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) là người hiếm hoi trong số này.
Dù đã lớn tuổi nhưng cụ Hứa vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ vẫn nhớ như in những lần cùng dân làng tham gia săn chúa sơn lâm và cho biết mình đã trực tiếp cùng với mọi người tiêu diệt được 4 con cọp dữ.
Cụ Hứa nhớ nhất lần đầu tiên đi săn cọp ở núi Đá Chửi (xã Tiên Cảnh). Lần đó, con cọp cái về làng giết hại một người đàn ông rồi tha vào rừng. Sáng hôm sau, cụ Hứa cùng những thanh niên trai tráng lần theo vết máu để tìm nạn nhân.
Sau gần một ngày, mọi người mới phát hiện thi thể không còn nguyên vẹn của nạn nhân tại một cánh rừng già. Nghĩ rằng con cọp ăn no sẽ nằm ngủ trong rừng, người dân bắt đầu tiến hành vây bắt.
Lưới và cây mác dùng để săn bắt cọp là những kỷ vật quý mà gia đình cụ Đoàn Hứa còn lưu giữ
Để bắt được cọp giữa núi rừng, mọi người phải phát quang cây cối xung quanh. Sau đó, hàng trăm thanh niên trai tráng bắt đầu kéo lưới. Đây là những tấm lưới đặc biệt, được bện bằng dây gai rắn chắc. Mỗi người phụ trách khoảng 2 mét lưới chiều ngang rồi dần dần khép chặt vòng vây lại.
Lúc này, những đàn chó săn cũng được huy động tứ phía để sủa uy hiếp con cọp. Vòng vây cứ thế khép chặt dần với tiếng chiêng trống rộn ràng, tiếng người hò reo, tiếng chó sủa dồn dập...
Đến ngày thứ 5, khi vòng vây chỉ cách nhau vài chục mét, lúc này "ông ba mươi" mới xuất hiện. "Trong lúc mọi người nghĩ đến viễn cảnh con cọp đã chạy thoát rồi thì tôi thấy đàn chim giật mình bay vút lên. Nghĩ rằng con cọp đang nằm ở đó, tôi chú ý quan sát thì phát hiện một phần hình dáng nó lộ ra dưới lớp lá cây rừng. Tôi vội hô hoán mọi người bố trí dây thòng lọng vào bên trong rồi tiếp tục hò reo uy hiếp. Vừa thấy người, vừa thấy chó sủa dữ dội nên con cọp to cao vội lao ra khỏi nơi ẩn nấp. Khi nó chạy ra thì dính vào dây thòng lọng đã được giăng sẵn. Liền lúc đó mọi người lao đến dùng giáo, mác đâm hạ gục con mãnh thú" – cụ Hứa thuật lại.
Xưa kia, núi rừng Tiên Phước rất nhiều hổ
Để minh chứng về những trận vây bắt cọp, cụ Hứa cho chúng tôi xem những vật dụng mà gia đình cụ còn lưu giữ. Đó là một tấm lưới làm bằng dây gai dài khoảng 10 m và một cây mác lưỡi dài làm bằng loại thép đặc biệt vẫn còn sắc bén theo thời gian. Đây là những vật kỷ niệm mà 3 thế hệ gia đình cụ Đoàn Hứa lưu giữ hơn trăm năm qua.
Theo cụ Hứa, người dân địa phương xưa kia sống nương tựa vào núi rừng, dù rất yêu động vật nhưng nếu không giết những con cọp thì người dân ở đây không thể sinh sống được bởi vì cọp dữ không chỉ ăn gia súc mà còn giết hại cả con người.
Vài chục năm trở lại đây, cọp dường như biến mất khỏi địa bàn tỉnh Quảng Nam do sự tác động của con người làm mất môi trường sống. Theo thống kê của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên, năm 2015, số lượng cọp ngoài tự nhiên ở Việt Nam chỉ còn dưới 5 con.
Bình luận (0)