Hang động núi lửa ở khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) được TS La Thế Phúc (nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất, chuyên gia cao cấp cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) cùng các cộng sự phát hiện năm 2007. Các cuộc khảo sát những hệ thống hang động này được Hội Hang động núi lửa Nhật Bản phối hợp cùng Bảo tàng Địa chất (năm 2011 - 2015), với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam năm 2017 trong khuôn khổ các đề tài hợp tác.
Phát lộ nhiều di cốt trong 12 hang động
Di tích tiền sử trong hang động núi lửa ở huyện Krông Nô được phát hiện và đào hố thám sát năm 2017, được khai quật năm 2018 - 2019 trong khuôn khổ đề tài khoa học - công nghệ cấp nhà nước do TS La Thế Phúc làm chủ nhiệm và trực tiếp thực hiện. Kết quả khai quật đã phát lộ nhiều di cốt người tiền sử, gây chấn động trong giới khảo cổ khi lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam và thế giới biết đến một loại hình di tích khảo cổ hang động núi lửa, giúp nhận thức mới về sự thích ứng của cư dân thời tiền sử với môi trường hoạt động núi lửa trên đất Tây Nguyên.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác lập được 50 hang động núi lửa ở Krông Nô. Trong đó có 21 hang được đo vẽ chi tiết và 12 hang chứa di tích tiền sử. Hệ thống hang động này có mối liên quan mật thiết với quá trình hoạt động phun trào của núi lửa Chư B’Luk (thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô). Các nhà nghiên cứu đã xác định được hang có nguồn gốc nội sinh, cơ chế thành tạo, giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học và di sản văn hóa, di tích tiền sử.
Trong số 12 hang chứa di tích tiền sử, các nhà khoa học đã lựa chọn khai quật 2 hang là C6.1 (có tầng văn hóa dày) và hang C6’ (có tầng văn hóa rất mỏng). Công tác nghiên cứu chi tiết, chuyên môn sâu đa ngành, liên ngành được triển khai ở di tích hang C6.1.
Toàn cảnh hố khai quật, các di tích, phiên bản di cốt người và hoạt cảnh người tiền sử được phục dựng để bảo tồn, bảo tàng tại hang C6.1 Nguồn: LA THẾ PHÚC
Hố khai quật nằm cạnh khu vực cửa hang C6.1 có diện tích 10,5 m2, tầng văn hóa dày 1,85 m được chia thành 2 lớp. Lớp văn hóa trên (muộn) dày 40-35 cm, có niên đại cách đây từ 5.391 năm đến năm 5.815 năm. Lớp văn hóa dưới (sớm) dày 145 - 150 cm, niên đại cách đây từ 5.815 năm đến 6.954 năm.
Kết quả khai quật đã phát lộ nhiều di tích, thu được hàng vạn hiện vật các loại bao gồm: đồ đá, mảnh gốm, mũi tên đồng, mũi nhọn xương mài, mảnh xương, vỏ nhuyễn thể và nhiều vụn than củi phân bố rải rác trong tầng văn hóa…
TS La Thế Phúc cho biết hệ thống di tích và hiện vật ở hố khai quật đã minh chứng cho các loại hình di tích đặc trưng: di tích cư trú - xương - mộ táng ở hang C6.1 và di tích trại săn tạm thời ở hang C6’.
"Điều đặc biệt là tại hố khai quật đã phát lộ các mộ táng, di cốt người tiền sử trong tầng văn hóa được bảo tồn khá tốt. Sự hiện diện di cốt người tiền sử trong hang động đá vôi ở nước ta cũng như trên thế giới là rất phổ biến nhưng trong hang động núi lửa là rất hiếm ở Tây Nguyên cũng như trên thế giới, đã gây chấn động giới khảo cổ trong và ngoài nước. Sự kiện này cũng được vinh danh là 1 trong 10 sự kiện khoa học - công nghệ tiêu biểu năm 2018" - TS La Thế Phúc chia sẻ.
"Nền văn minh Hòa Bình" trên Tây Nguyên
Kết quả khai quật tại hang C6.1 đã phát lộ 7 mộ táng còn bảo tồn tốt với táng thức chủ yếu là nằm co bó gối. Trong đó, mộ 1 là một người đàn ông trưởng thành khoảng 25 - 35 tuổi, di cốt còn bảo tồn tốt và khá nguyên vẹn. Dựa vào độ dài xương chỉ có thể tính được chiều cao người, trong đó người mộ 1 cao nhất khoảng 1,84 - 1,85 m. Người mộ 7 cũng có chiều cao cơ thể trong khoảng 1,81 - 1,83 m. Lần đầu tiên bắt gặp chiều cao các di cốt người cổ ở Việt Nam lớn như vậy. Các vấn đề chuyên môn sâu liên quan đến nhân chủng học đang tiếp tục được nghiên cứu.
Theo kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng cư dân tiền sử hang C6.1 đã cư trú liên tục ở đây khoảng 3.000 năm, bắt đầu từ khoảng 7.000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay, tương đương với niên đại trung kỳ Đá mới. Các loại hình táng thức, tổ hợp công cụ và kỹ nghệ chế tác, sử dụng hoàng thổ vật linh… mang đậm dấu ấn kế thừa của văn hóa Hòa Bình và tiếp tục phát triển với sự xuất hiện các yếu tố mới.
Các nhà khoa học đã ghi nhận dấu tích người tiền sử trong 12 hang động núi lửa ở Đắk Nông Ảnh: CAO NGUYÊN
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô là quần thể di sản hỗn hợp giữa di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, có giá trị nổi bật toàn cầu và không có khả năng tái tạo. Đây là nguồn tài nguyên vô giá cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy học tập và khai thác du lịch.
TS La Thế Phúc cho biết hang C6.1 đã được khai quật bảo tồn tại chỗ, khác với khai quật truyền thống. Cấu trúc tầng văn hóa, các di tích di vật tiêu biểu được bảo tồn tại chỗ trong hố khai quật để phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy - học tập, đặc biệt là khai thác du lịch, phát triển kinh tế.
"Các giá trị ngoại hạng của di sản hang động núi lửa đã có vai trò quyết định trong bộ hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu. Đây sẽ là điểm nhấn thu hút công chúng đến với Công viên địa chất Đắk Nông, nguồn lực mới góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội Đắk Nông trong liên kết vùng và hội nhập" - ông La Thế Phúc nhấn mạnh.
Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng
Tháng 7-2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Là thành viên non trẻ của mạng lưới nhưng tỉnh Đắk Nông đã có sự chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng. Năm 2021, Đắk Nông đã mạnh dạn đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 năm 2022 (ISV20). Hội nghị được tổ chức từ ngày 21 đến 26-1-2022, tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết đây là sự kiện đối ngoại quan trọng, không chỉ giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất mang tầm quốc tế - mà còn thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, làm giàu thêm các giá trị của di sản địa chất độc đáo này.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3
Kỳ tới: Giải mã Vương quốc Phù Nam
Bình luận (0)