xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghe tiếng ngàn xưa vọng về (*): Khám phá vương quốc Phù Nam

VĨNH KỲ

Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được các nhà khoa học xem là một trung tâm chính trị - kinh tế - tôn giáo của vương quốc Phù Nam xưa

Cuộc khai quật đầu tiên ở khu di tích Óc Eo - Ba Thê do nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret thực hiện ngày 10-2-1944, tại một gò đất cao trên cánh đồng ở Óc Eo, tỉnh An Giang. Quá trình khai quật này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế lúc bấy giờ về một quốc gia cổ đại hùng mạnh từng tồn tại ở miền Nam Việt Nam: Vương quốc Phù Nam.

Nghe tiếng ngàn xưa vọng về (*): Khám phá vương quốc Phù Nam - Ảnh 1.

Các chuyên gia khảo sát giếng nước cổ được khai quật tại di tích Nền Chùa. Ảnh: TƯ LIỆU

Kết nối các nền văn minh phương Tây - phương Đông

Óc Eo - nền văn hóa cổ ở Nam Bộ - tồn tại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ VII. Những di vật, phế tích và các giá trị văn hóa Óc Eo được nhắc đến trong nhiều thư tịch cổ của Trung Hoa. Đó là vương quốc Phù Nam - quốc gia cổ đại phát triển rực rỡ, trở thành đầu mối thương mại và giao lưu quốc tế quan trọng trên biển, ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.

Chính nhà khảo cổ Louis Malleret đã đề nghị đặt danh xưng cho nền văn hóa cổ đại được tìm thấy tại đây là Óc Eo. Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được xem là một trung tâm chính trị - kinh tế - tôn giáo của vương quốc Phù Nam xưa.

Thành công từ cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên tại gò Óc Eo đã giúp ông Louis Malleret nhận diện rõ hơn về khu di tích này. Đó là một vòng thành tổng diện tích 450 ha với vết tích của những con đường, cống thoát nước, nhà ở…, thiết kế theo hình chữ nhật, rộng 1.500 m, dài 3.000 m.

Chạy chính giữa cắt khu vực làm 2 phần là một con kênh lớn (được ông Malleret gọi là kênh K16) theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, nối với di tích Nền Chùa (Kiên Giang) ra tận vùng biển Tây Nam. Điểm đầu phía Đông Bắc của đô thị cổ này cũng có một con kênh lớn (kênh K4) nối với kênh K16 chạy lên phía Bắc, đi qua vùng phía Đông khu vực Bảy Núi (An Giang), thẳng đến một thành phố cổ khác của vương quốc Phù Nam thời bấy giờ. Đó là Angkor Borei thuộc Campuchia ngày nay.

Từ những kết quả khảo cổ, Louis Malleret tuyên bố trong bộ sách gồm 4 tập của ông: "Di tích Óc Eo - Ba Thê là một đô thị cổ - một thành phố cảng lớn, đóng vai trò then chốt trên con đường thương mại quốc tế thời cổ đại, là điểm kết nối các nền văn minh phương Tây và phương Đông với nhau thời bấy giờ".

Tiếp đó, ông Louis Malleret còn khảo sát vùng đồng bằng giữa 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và thu thập được 6 hộp sọ di cốt người cổ. Nghiên cứu những di cốt này, ông nhận định chủ nhân nền văn hóa Óc Eo là những người Nam Đảo, sinh sống ở các vùng ven biển. Họ xây dựng nên các thành phố cảng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của vương quốc Phù Nam.

Những kết quả khám phá đầu tiên, vô cùng quan trọng về văn hóa Óc Eo của ông Malleret tại Nam Bộ là điểm khởi đầu. Sau đó, từ năm 1975, nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tiếp tục quan tâm, nghiên cứu những giá trị của nền văn hóa này.

Văn hóa Óc Eo hiện có mặt tại 84 di tích trên toàn tỉnh An Giang và các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng chục ngàn hiện vật, trong đó có đến 7 bảo vật quốc gia. Năm 2012, Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.

Nghe tiếng ngàn xưa vọng về (*): Khám phá vương quốc Phù Nam - Ảnh 2.

Các hiện vật được trưng bày tại Khu Di tích Óc Eo tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MINH SƠN

Tồn tại độc lập, không phụ thuộc

Giai đoạn 2017-2020, An Giang tiến hành cuộc khai quật quy mô lớn liên quan văn hóa Óc Eo. Cuộc khai quật này đã xác định 90% dấu tích tồn tại của nền văn hóa Óc Eo hiện diện ở An Giang; 10% còn lại ở di tích Nền Chùa, tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang, cho rằng vương quốc Phù Nam tồn tại độc lập trên vùng đất này từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, không phụ thuộc vào nền văn hóa khác.

Nói về sự độc lập này, thông qua những công trình khảo cổ, ông Louis Malleret nhấn mạnh: "Trước hết, chúng ta dứt khoát bác bỏ quan điểm cho rằng một giai đoạn lịch sử phát triển của văn hóa Óc Eo mang nhiều dấu ấn của văn hóa cổ Khmer, thể hiện trên các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và hiện vật bằng đồng thau. Như vậy, văn hóa Óc Eo hình thành trước văn hóa Khmer. Về sau, ở một số vùng có pha màu sắc Khmer cổ đại là do sự tiếp biến hoặc đồng hóa".

Theo ông Nguyễn Hữu Giềng, vương quốc Phù Nam tồn tại đến thế kỷ VII rồi biến mất. Giới khoa học và khảo cổ suy đoán thiên tai, sóng thần lúc ấy đã hủy diệt toàn bộ dân cư vùng này. Giả thiết khác lại cho rằng chiến tranh là nguyên nhân khiến vương quốc Phù Nam bị diệt vong. Những giả thuyết này đều khẳng định vương quốc Phù Nam là một quốc gia độc lập trước khi biến mất hoàn toàn vào thế kỷ VII.

Ông Nguyễn Hữu Giềng cho biết An Giang sẽ cố gắng giữ nguyên Khu Di tích Óc Eo và khôi phục đúng bản chất lịch sử từ những phế tích còn sót lại. "Chúng tôi muốn làm "sống lại" những đền đài, những sinh hoạt của người thời đó, thông qua việc tái hiện bằng phim ảnh, để mọi người có thể hiểu đúng nhất về văn hóa Óc Eo" - ông Giềng bày tỏ. 

Bảo tồn giá trị di tích Nền Chùa

Di tích Nền Chùa - tên gọi khác là Tà Keo, nghĩa là "Ông Ngọc" - thuộc khu vực ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, trải rộng trên diện tích khoảng 15 ha. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện ở di tích này có lung Giếng Đá (còn gọi là lung Lớn) chạy cắt ngang, nối liền với Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang) theo hướng Đông Bắc khoảng 15 km, đóng vai trò "tiền cảng" cho đô thị cổ Óc Eo.

Theo ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang, Nền Chùa là một trong những di tích tiêu biểu thuộc nền văn hóa Óc Eo phân bố ở tỉnh này. Nền Chùa có ý nghĩa quan trọng phản ánh sự hình thành, phát triển của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng; là cầu nối chuyển tải những giá trị di sản văn hóa, lịch sử truyền thống từ quá khứ đến hiện tại.

"Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, di tích Nền Chùa cùng những giá trị của nó càng trở nên có ý nghĩa hơn. Từ hiện trạng Nền Chùa, cần xác định các giải pháp cho việc bảo tồn và phát huy nhằm giữ gìn những giá trị vốn có của di tích. Ngoài ra, cần tuyên truyền, giới thiệu các giá trị di sản quý báu của dân tộc đến với công chúng, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa quốc gia" - ông Khánh nhìn nhận.

Duy Nhân

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3

Kỳ tới: Phát lộ đô thị cổ vùng Đông Nam Bộ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo