Một trong những người làm công việc đó là anh Nguyễn Hoàng Kha (26 tuổi; ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ); đã chọn nó như một nghề, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành khoa học cây trồng của ĐH Cần Thơ.
Năm 2017, khi ra trường, chàng trai trẻ (quê ở Sóc Trăng) này xin vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở Kiên Giang. Sau mấy tháng làm ở đây, thấy không hợp với công việc này nên anh xin nghỉ. May mắn, có người quen giới thiệu anh đến làm việc cho một trang trại trồng cây ăn trái ở Hậu Giang. "Công việc của tôi là tư vấn kỹ thuật cho trang trại này khoảng 3 tháng, trong đó có chăm sóc vườn dưa lưới. Từ đây, tôi quyết định chọn nghề tư vấn kỹ thuật nông nghiệp để tận dụng kiến thức đã học" - Kha nhớ lại.
Theo lời anh Kha, việc trồng dưa lưới đối với các nhà vườn ở miền Tây là còn khá mới mẻ. Kỹ thuật trồng loại cây này tương đối cao nên phải có nhiều hiểu biết về chế độ dinh dưỡng, về sử dụng phân thuốc hợp lý so với các loại cây ăn trái khác. Đặc tính của cây dưa lưới là phải trồng trong nhà kính, cần nhiều ánh sáng. Loài cây này cần có hệ thống tưới tự động nhằm cung cấp nước liên tục; từ lúc ươm hạt tới thu hoạch khoảng 75 ngày. Một cây cho nhiều trái nhưng chỉ để mỗi cây một trái cho đạt yêu cầu về trọng lượng và chất lượng. Những kỹ thuật này không phải nông dân nào cũng rành.
Với công việc tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho nhà vườn và trang trại, Nguyễn Hoàng Kha vừa tận dụng kiến thức học được, vừa có thu nhập ổn định
Trong thời gian làm việc ở đây, Kha đã học được nhiều kinh nghiệm. Sau hơn một năm rưởi, Kha nghỉ làm và bắt đầu với nghề hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các trang trại trồng dưa lưới khác và nhà vườn ở Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ. Hiện anh Kha thuê một mảnh đất khoảng 350 m2 ở quận Cái Răng để thử nghiệm trồng dưa lưới. Qua cách mình tự trồng, Kha có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc loài cây này để áp dụng ở những trang trại trồng dưa lưới mà anh nhận tư vấn.
Mục đích của những người làm công việc tư vấn kỹ thuật như anh Kha là hướng nhà vườn đến sản xuất nông nghiệp sạch. Khi có nhà vườn đề nghị, Kha sẽ đến tận vườn đánh giá hiện trạng rồi áp dụng quy trình kỹ thuật về dinh dưỡng; cắt tỉa cành; phòng ngừa sâu bệnh cho từng loại cây ăn trái. "Chẳng hạn, đối với cây sầu riêng, để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, không bị suy kiệt, làm ảnh hưởng đến các vụ tiếp theo thì việc trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật là vô cùng cần thiết. Tuyệt đối không diệt cỏ bằng các hóa chất trong vườn cây ăn trái nói chung" - anh Kha lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Na, tổ trưởng tổ cây trồng thuộc Khu Du lịch Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), đánh giá rất cao kỹ thuật mà anh Kha tư vấn. Ông Na nhận thấy: "Vườn cây ăn trái của khu du lịch khoảng 5 ha, trồng sầu riêng, chôm chôm, nhãn..., được Kha tư vấn kỹ thuật 3 năm nay, năm nào cũng cho năng suất rất tốt. Khách du lịch đến đây thưởng thức trái cây đều khen ngon".
Anh Kha cho biết trong quá trình làm, anh tư vấn cho nhiều nhà vườn là nên sản xuất theo hướng hữu cơ. "Nếu dùng phân hữu cơ thì cây khỏe cho trái nhiều hơn, trái có mùi vị thơm ngon hơn" - anh Kha phân tích.
Việc tư vấn kỹ thuật mang lại thu nhập ổn định cho anh Kha, mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Nhiều sinh viên và kỹ sư nông nghiệp mới ra trường đến học hỏi kinh nghiệm về công việc của anh hoặc khi anh đi tư vấn kỹ thuật cho các nhà vườn đều dẫn họ theo để thực tập. Khi những người này có đủ kiến thức từ thực tế, kinh nghiệm, anh Kha lại nhiệt tình giới thiệu họ cho các nhà vườn có nhu cầu tư vấn kỹ thuật cây trồng để có thêm thu nhập.
Bình luận (0)