Ngày 1-5 (nhằm ngày 16-3 âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), UBND huyện Tri Tôn tổ chức trang trọng lễ giỗ tập thể lần thứ 40 cho 3.157 người dân vô tội ở thị trấn Ba Chúc bị Pol Pot-Ieng Sary (Khmer Đỏ) bị thảm sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978.
Người dân và chính quyền địa phương thắp hương tại lễ giỗ
Tại lễ giỗ, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi ban tổ chức tóm tắt 12 ngày đêm (18 đến 29-4-1978) chiến tranh biên giới Tây Nam và mặc niệm, đốt đuốc hồn thiêng, lễ dâng hương cho các nạn nhân bị thảm sát.
Người dân xem lại những hình ảnh lưu lại về cuộc thảm sát kinh hoàng khiến 3.157 người dân vô tội bị sát hại
Ông Men Sây Ma, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết Nhà mồ Ba Chúc là nơi lưu giữ những chứng tích tội ác diệt chủng khi Khmer Đỏ tràn vào thị trấn Ba Chúc. Chỉ trong 12 ngày đêm, Khmer Đỏ đã sát hại dã man 3.157 người dân vô tội ở thị trấn này.
Lễ giỗ diễn ra trong không khí ấm áp, trang trọng
Khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, một số hài cốt đã được thân nhân mang về gia đình an táng, hiện còn 1.159 sọ được lưu giữ, bảo quản tại nhà mồ, trong đó có 1.017 sọ đã xác định tuổi và giới tính. Ngày 10-7-1980, Bộ Văn hóa thông tin (cũ) có Quyết định số 92/VH.QĐ xếp hạng Nhà mồ Ba Chúc là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đây là lễ giỗ lần thứ 40
Hằng năm, người dân và các ngành chức năng ở huyện Tri Tôn chọn 2 ngày 15 và 16-3 âm lịch để tổ chức lễ giỗ tập thể cho các nạn nhân trong vụ thảm sát kinh hoàng ở Ba Chúc.
Bình luận (0)