Những ý tưởng và quyết tâm phát triển GTVT của ĐBSCL được nêu ra tại hội nghị ở Sóc Trăng ngày 12-12 cũng vẫn do ông Nguyễn Văn Thể - đương kim "tư lệnh" ngành GTVT cả nước - đưa ra, giống như hơn một năm trước đây khi ông là Bí thư Tỉnh ủy địa phương này.
Lúc ấy, ông Thể quả quyết: Để đột phá về giao thông, việc đầu tư cần làm nhanh và có trọng điểm: tập trung cho những tuyến đường có kết nối tốt với lợi thế phát triển kinh tế. Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, sẽ có 39 dự án giao thông được đầu tư xây dựng ở ĐBSCL với kinh phí trên 73.000 tỉ đồng. Trong đó, cùng với tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương (đã đưa vào sử dụng), tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công lại vào tháng 2-2015 sẽ rút ngắn khoảng cách từ TP HCM đi Cần Thơ và các tỉnh trong vùng. Đến năm 2019 sẽ hoàn thành tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cùng với cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh đưa vào sử dụng góp phần giảm áp lực giao thông Quốc lộ 1…
Khi đó, một quan chức Bộ GTVT, bây giờ là thứ trưởng, cũng tiếp lời: Hiện Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có sự phối hợp với các tỉnh - thành ĐBSCL khẩn trương rà soát, chọn các dự án ưu tiên đầu tư cho giao thông ĐBSCL. Từ đó, tập trung đầu tư những công trình cấp bách vì sự phát triển của vùng. Giao thông phải đi trước một bước để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, bên cạnh đó còn giảm chi phí cho doanh nghiệp và cho xã hội; tạo điều kiện cho nông sản của người dân ĐBSCL có cơ hội giao thương với các sản phẩm khác trong các vùng của cả nước, khu vực và thế giới...
Nghe sướng lỗ tai vậy rồi sau một thời gian tiếp tục ngồi bàn lại chuyện cũ, dẫu một số công trình giao thông trong thập kỷ qua đã được làm xong, đưa vào sử dụng. Nhưng vẫn còn đó những tồn tại đau đáu, như là: ĐBSCL chưa thôi là vùng trũng của cả nước về nhiều mặt cho dù tiềm năng về nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước khi mỗi năm đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây; tỉ lệ bỏ học của học sinh nơi đây nằm trong nhóm đầu cả nước; hạ tầng giao thông còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển… Và, cũng tại hội nghị ngày 12-12 ở Sóc Trăng, Bộ GTVT trình bày đề án cảng nước sâu Trần Đề; nếu được Chính phủ thông qua, cho xây dựng thì cảng này sẽ trở thành điểm tập kết xuất nhập khẩu quan trọng, đem lại nhiều nguồn lợi cho ĐBSCL.
Chuyện này cũng không có gì mới vì xưa nay 13 tỉnh - thành ĐBSCL không có một cảng lớn nào, toàn bộ hàng hóa đều phải chuyển từ TP HCM hoặc Đông Nam Bộ về đây. Ai cũng thấy điều đó, cũng đã nói ra tại biết bao hội thảo, hội nghị rồi nhưng sau đó thì lại… tiếp tục giở ra bàn. Nói nhiều mà làm ít, ĐBSCL vì thế không thể nào phát triển nổi!
Bộ GTVT cũng chẳng cần phải thể hiện làm gì. Trước hết, hãy chứng minh năng lực bằng cách cho vận hành ổn thỏa trở lại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) sau hơn 1 năm tạm đóng cửa để… tìm phương án đi!
Bình luận (0)