Để bảo đảm triển khai hiệu quả hoạt động điều phối phát triển các tiểu vùng và liên kết vùng ĐBSCL, trước tiên, cần định rõ trong lộ trình từ nay đến kết thúc nhiệm kỳ, kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhiệm vụ trọng tâm là gì, địa chỉ chịu trách nhiệm từng đầu việc như thế nào, thời hạn hoàn thành ra sao?... Theo đó, cần ưu tiên tập trung 3 nhóm giải pháp tạo chuyển biến:
Một là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển vùng. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế phối hợp, giám sát, đánh giá tiến độ và hiệu quả của Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối vùng để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đã dẫn đến giảm sức mạnh tổng hợp của cả vùng. Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản để cập nhật đầy đủ các thông tin, dữ liệu toàn vùng, phục vụ công tác quy hoạch không gian lãnh thổ, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng.
Hai là, tổ chức huy động nguồn lực. Xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác. Bước đầu tạo chuyển biến trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế. Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào vận hành trung tâm thông tin dữ liệu vùng để bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, kịp thời cho việc ra quyết định của hội đồng điều phối vùng và chính quyền địa phương.
Ba là, đầu tư và phát triển hạ tầng theo quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải bảo đảm thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý.
Tầm nhìn dài hạn trước thách thức, cạnh tranh cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai đòi hỏi phải vượt qua các điểm nghẽn trước mắt trong việc thực thi Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Thành công của hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện nghị quyết hôm nay không chỉ ở kết quả làm được vừa qua, nhận thức về thời cơ, thách thức tới của vùng này, mà còn phụ thuộc vào hiệu quả thật sự của hành động sắp tới đây.
Nghĩ đã thông, phải xông vào làm.
Bình luận (0)