Ngày 24-4, Việt Nam phát hiện thêm 3 ca mắc Covid-19 đều là các ca nhập cảnh đã được cách ly trước đó. Hơn 39.000 người đang thực hiện cách ly y tế và theo dõi sức khỏe. Đến nay, đã có 176.037 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Căng thẳng biên giới Tây Nam
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nước ta đã cơ bản khống chế được đại dịch Covid-19.
Gần 1 tháng nay, Việt Nam không phát hiện thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp, bùng phát mạnh ở các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan... Việt Nam vẫn tổ chức các chuyến bay giải cứu, thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hằng ngày, nước ta vẫn ghi nhận các ca Covid-19 là người nhập cảnh trong các khu cách ly. Dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực kiểm soát việc xuất nhập cảnh nhưng do địa hình phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập ở biên giới Tây Nam rất cao.
"Nguy cơ xuất hiện dịch Covid-19 vẫn luôn hiện hữu. Chúng ta phải xác định tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch" - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Điểm nóng về nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập đang tập trung vào Kiên Giang khi địa phương này có đường biên giới trên bộ dài 56 km, trên biển hơn 200 km với hơn 63.000 km2 mặt biển. Nhiều vùng nước lịch sử có hàng ngàn tàu cá, hậu cần nghề cá của Kiên Giang và Campuchia hoạt động mỗi ngày. Đặc biệt, Kiên Giang có một số đảo rất gần với Campuchia.
Hiện nay, hơn 103.000 người gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia. Riêng 3 tỉnh giáp biên giới với Kiên Giang như Kampot, Kép và Preah Sihanouk có trên 700 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu là người gốc Việt đang cư trú. Khi dịch ở Campuchia bùng phát, các nhà máy, cơ sở kinh doanh đóng cửa nên họ bị thất nghiệp và tìm mọi cách trở về Việt Nam lánh dịch, kiếm việc làm.
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Từ 30 tổ phòng chống dịch, hiện tỉnh đã tăng lên 128 chốt, tổ phòng chống dịch trên bộ và trên bờ biển với hơn 1.000 lực lượng thường xuyên, luân phiên trực 24/24. Ngoài lực lượng chủ lực là bộ đội biên phòng, tỉnh còn tăng cường thêm công an và 200 dân quân tự vệ từ tuyến sau lên hỗ trợ cho khu vực biên giới.
Để ứng phó với kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, Kiên Giang đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến quy mô từ 300-500 giường tại TP Hà Tiên với sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường quản lý, kiểm soát biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép; điều tra, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khẩn trương thực hiện công tác hỗ trợ cho công dân Việt Nam đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu lực lượng công an địa phương quản lý chặt chẽ các trường hợp tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh Sóc TrăngẢnh: Tuấn Dũng
Lực lượng biên phòng tỉnh Đồng Tháp tăng cường kiểm tra vùng biên trong đêm để siết chặt tình trạng nhập cảnh trái phépẢnh: TÂM MINH
Tiếp tục tuân thủ nghiêm quy tắc 5K
Tại buổi làm việc mới đây với TP HCM về công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các lực lượng tăng cường tuần tra trong dịp lễ sắp tới, kiểm soát người nhập cảnh trái phép cũng như việc đeo khẩu trang nơi công cộng để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch.
Theo Phó Thủ tướng, đối với các sự kiện đông người trong dịp lễ sắp tới này, phải kiểm soát chặt chẽ. TP HCM là địa bàn có nguy cơ rất cao, người dân dồn về nhiều nên cần tiếp tục kiểm soát, nhất là đối với những người nhập cảnh.
Lo ngại dịch có thể bùng phát và lây lan sau các kỳ nghỉ kéo dài, đặc biệt dịp 30-4 và 1-5, PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý các điểm du lịch thường tập trung đông người, đặc biệt có nhiều người "lạ" mà ta không biết được nguy cơ mắc bệnh của họ như thế nào.
"Nếu trong đó có một người dương tính với Covid-19 sẽ rất dễ lây lan, khó truy vết và dịch nhanh chóng lan ra diện rộng chỉ trong thời gian ngắn. Do đó, người dân hạn chế tập trung đông người" - ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Ngoài ra, người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên những phương tiện giao thông công cộng.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23-4 về tăng cường thực hiện phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống.
Các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết được yêu cầu tiếp tục hạn chế, nếu tổ chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn. Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới, phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép thì xử lý nghiêm theo quy định.
Bình luận (0)