xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghĩa tình - Giá trị đặc trưng của TP HCM

PHAN ANH thực hiện

Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng nghĩa tình đã trở thành đặc trưng của tính cách, đặc trưng trong văn hóa ứng xử, tư duy hành động của người dân TP HCM

.Phóng viên: So với các vùng đất khác, TP HCM vẫn được coi là một "vùng đất mới hơn 300 năm", "một thành phố trẻ"… nhưng khi nhắc đến "nghĩa tình" thì người ta nghĩ ngay đến Sài Gòn - TP HCM. Vì sao vậy, thưa bà?

- Bà PHAN KIỀU THANH HƯƠNG: Người dân ưu ái dùng hai chữ "nghĩa tình" khi nhắc đến TP HCM có lẽ xuất phát từ việc ở bất cứ nơi nào của mảnh đất này, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp được việc nghĩa. Người TP HCM làm việc nghĩa như một "thao tác" bình thường, thấy việc nên làm thì làm mà không hề tính toán thiệt hơn. Họ giúp người trong khả năng của mình, ít nhiều gì cũng không ngại và cũng không bao giờ đòi hỏi sự đền đáp hay trả công.

Nghĩa tình - Giá trị đặc trưng của TP HCM - Ảnh 1.

Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, tiếp nhận kinh phí ủng hộ mua vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 .Ảnh: NGUYỄN PHAN

Nghĩa tình - Giá trị đặc trưng của TP HCM - Ảnh 2.

Chương trình “ATM thực phẩm miễn phí” của Báo Người Lao Động góp phần lan tỏa việc làm nghĩa tình trong lúc khó khăn do dịch bệnh Covid-19 .Ảnh: TẤN THẠNH

Còn nói từ đâu mà người dân TP HCM có những hành xử nghĩa tình đó, tôi nghĩ nó xuất phát và bắt nguồn từ đạo lý chung của dân tộc Việt Nam. Nó còn phản ánh lịch sử, hoàn cảnh của vùng đất phương Nam. Ngược dòng lịch sử để thấy phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn - Gia Định - TP HCM được kế thừa từ tinh thần yêu nước, thương người vốn là phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã kết tinh qua nhiều thế hệ.

Phẩm chất tốt đẹp ấy lưu chảy trong máu và hơi thở của những lưu dân theo dòng mở cõi, tiếp tục hòa kết, sinh sôi, làm nên phẩm chất của con người Nam Bộ chân chất, nhân hậu, bao dung nhưng cũng rất mạnh mẽ, phóng khoáng và hào sảng. Nghĩa tình đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của người dân TP HCM và cũng trở thành một động lực quan trọng tạo nên sự đồng lòng, hiệp lực, nhất là trong những lúc khó khăn.

Trong suốt quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban MTTQ TP HCM đã thực hiện "câu chuyện" nghĩa tình này bằng rất nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Bởi lẽ, muốn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội thì Ủy ban MTTQ TP HCM phải huy động được sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Nói một cách nôm na là làm sao cho xuất hiện, lan tỏa ngày càng nhiều câu chuyện về tính cách nghĩa tình của người dân TP HCM. "Nghĩa tình" đã trở thành một trong những phương châm để Ủy ban MTTQ TP HCM thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

.Nghĩa tình này có phải đến từ sự sung túc hơn về kinh tế của TP HCM, bởi có những ý kiến cho rằng giàu mới thương người, giúp người được?

- Tất nhiên giàu có, sung túc sẽ có nhiều điều kiện để giúp đỡ người khác hơn. TP HCM cũng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để làm việc nghĩa. Nhưng đó không phải là bản chất của sự nghĩa tình của người TP HCM. Bởi lẽ, không phải đợi đến khi giàu có, dư dả thì người TP HCM mới nghĩ tới việc giúp đỡ người khác.

Ở TP HCM, không thiếu những người giàu làm việc thiện nhưng càng không thiếu những người nghèo giúp đỡ người nghèo hơn mình, theo kiểu "lá rách ít đùm lá rách nhiều". Đó là một bác bán vé số sẵn sàng ủng hộ 80%-90% thu nhập trong ngày của mình cho người nghèo. Một em học sinh tiết kiệm tiền ăn sáng để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Hay một cụ hưu trí sẵn sàng trao đi tất cả tiền để dành mà mình đã gom góp suốt nhiều năm...

Người TP HCM làm việc thiện, việc nghĩa không chỉ bằng tiền mà còn bằng sức. Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, chúng ta rất xúc động trước hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (96 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) may khẩu trang vải tặng người nghèo. Nhiều người dân đã tự nguyện nấu cơm, đem nước uống cho lực lượng đang làm nhiệm vụ ở những tuyến đầu chống dịch. Rồi có người mang vàng, mang tờ vé số trúng đến ủng hộ...

Còn rất nhiều câu chuyện cảm động như thế về cách làm việc nghĩa của người TP HCM. Người TP làm việc nghĩa không xuất phát từ điều kiện kinh tế mà từ tấm lòng muốn cho đi, muốn san sẻ, muốn giúp đỡ một cách thực tâm. Người TP HCM cũng không ngại khi mình chỉ giúp được một chút, vì họ tin nếu nhiều người giúp một chút thì sẽ được kết quả lớn.

Cũng chính vì xuất phát từ thật tâm muốn làm việc nghĩa, người TP HCM sẽ luôn có những cách làm phù hợp với điều kiện của mình, hình thức đa đạng, phong phú, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Khi dịch Covid-19 vào cao điểm thì TP HCM là địa phương đầu tiên xuất hiện mô hình ATM thực phẩm, ATM khẩu trang...

.Bà tâm đắc nhất điều gì ở tính cách của người dân TP HCM?

- Đó là sự kịp thời, chủ động. Khi có một trường hợp đột xuất cần giúp đỡ thì luôn có sẵn những tấm lòng. Như trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, TP HCM là địa phương bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng không vì thế mà người dân TP ngưng làm việc nghĩa. Lúc thiếu khẩu trang là có rất nhiều người may khẩu trang vải để chia sẻ chứ không đợi đến khi có khẩu trang y tế mới cho đi. TP HCM cũng là địa phương đầu tiên chủ động hỗ trợ những người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hay như năm qua, các tỉnh, thành ĐBSCL bị xâm nhập mặn nặng, không đợi họ đề nghị mà Ủy ban MTTQ TP HCM phát động ngay cuộc vận động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng. Sự thể hiện rất kịp lúc, kịp thời và hỗ trợ đúng đối tượng đã làm nhân lên và ngày càng lan tỏa tính nghĩa tình của người dân TP HCM.

.Ủy ban MTTQ TP HCM có rất nhiều phong trào mà từ đó hình thành nên những cư dân sống nghĩa tình, khoáng đạt, bao dung, hào sảng?

- TP HCM được biết đến là địa phương đi đầu cả nước trong các phong trào từ thiện xã hội, chăm lo giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Qua các phong trào, ngoài đạt được những kết quả rất tích cực cho xã hội còn tạo môi trường tốt để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, khơi dậy truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân" trong xã hội.

Từ những năm 1988-1989, phong trào "Xây nhà tình nghĩa" được TP HCM phát động, nhằm vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền của, công lao động xây nhà tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với nước gặp hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Cùng với tặng nhà tình nghĩa, phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng được triển khai. Rồi đến phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"...

Trong các cuộc vận động, phong trào về đời sống văn hóa, gia đình hạnh phúc... đều lồng ghép tinh thần nghĩa tình. Đời sống văn hóa phát huy từ hộ gia đình thông qua đăng ký gia đình văn hóa, khu phố văn minh đô thị. Trong quy ước, hương ước của nhiều khu phố cũng nhắc đến nghĩa tình, tình làng nghĩa xóm. Từ đó đã dần dần hình thành nên nếp nghĩ, nếp làm nghĩa tình của người dân TP HCM.

.Làm sao để việc sống nghĩa tình được lan tỏa rộng rãi hơn nữa và trở thành ứng xử chung ở TP HCM, thưa bà?

- "Nghĩa tình" đã được Đảng bộ TP HCM định hướng từ nhiều nhiệm kỳ. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X xác định mục tiêu xây dựng "TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình". Đây cũng là khát vọng của nhân dân TP HCM.

Chúng ta cần phát huy tinh thần yêu nước, thương người vốn là phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong đó, cần tăng cường giáo dục, nhận thức, nhất là cho giới trẻ, tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, quan tâm đến người nghèo, người gặp khó khăn, sẵn sàng giúp đỡ mọi người để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết của việc phát huy phẩm chất nghĩa tình, làm cho phẩm chất này thấm sâu vào ý thức và điều chỉnh hành vi xã hội của người dân TP HCM.

Về phía hệ thống MTTQ, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghĩa tình trong các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động phụng dưỡng các bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo gia đình liệt sĩ, thương binh; chăm lo cho người nghèo, bệnh tật; chăm lo trẻ em nghèo hiếu học; các hoạt động tương trợ, vượt khó trong các giới trí thức, phụ nữ, thanh niên, sinh viên, công nhân viên chức, lao động, tôn giáo... bằng nhiều phương thức đa dạng, phong phú, sinh động với nội dung thiết thực, chất lượng, hiệu quả.

Tôi tin rằng nghĩa tình - đặc tính vốn có của chính quyền và người dân TP HCM - sẽ ngày càng đầy lên, nhiều hơn và lan tỏa sâu hơn trong mọi hoàn cảnh. 

Hàng trăm tỉ đồng ủng hộ hoạt động phòng chống dịch Covid-19

Mới đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức chương trình phát động ủng hộ kinh phí mua vắc-xin, thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Chỉ trong một ngày phát động (23-4), 37 đơn vị đã đăng ký ủng hộ với tổng số tiền hơn 200 tỉ đồng.

Đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ - Ban Vận động tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM đã tiếp nhận tiền, hàng gần 270 tỉ đồng. Trong đó, 180 tỉ đồng đã được chuyển ủng hộ y - bác sĩ, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên và đồng hành, chia sẻ với người nghèo, người bán vé số, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo