Với tên gọi thuế BVMT thì lý do đánh thuế này vào xăng dầu nhằm mục đích BVMT. Điều này cho thấy Bộ Tài chính đã quy thủ phạm gây ô nhiễm không khí là do tiêu thụ xăng dầu.
Từ trước khi thu thuế BVMT đến nay đã chi bao nhiêu để BVMT và chi thế nào? Bộ Tài chính đã làm gì với khoản tiền đó? Từ khi đánh thuế vào giá xăng dầu thì môi trường có được cải thiện? Đó là những câu hỏi mà người dân bình thường phải suy nghĩ. Khi người dân và Quốc hội không thấy được hiệu quả của việc đánh thuế BVMT vào giá xăng dầu thì đâu là nguyên nhân thực sự của sắc thuế này. Người dân sẽ không cảm thấy được đối xử công bằng khi những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra để thu thêm tiền của người tiêu dùng không thuyết phục.
Nghiên cứu từ số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy nhóm ngành thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG) lớn nhất là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhóm ngành này thải ra lượng GHG gần gấp 3 lần mức bình quân chung của nền kinh tế. Tiếp đến là nhóm ngành xây dựng (cao hơn mức bình quân chung 2,4 lần) và nhóm ngành nông - lâm - thủy sản (cao hơn mức bình quân chung 2,1 lần).
Một điểm đáng chú ý là sản xuất hàng xuất khẩu gây nên phát thải GHG lớn nhất, chiếm trên 50% tổng lượng phát thải nhà kính. Điều này dường như không ủng hộ chính sách ưu tiên xuất khẩu hàng hóa hiện nay (gồm ưu tiên thuế và tín dụng) vì như vậy người dân Việt Nam vừa phải chịu đựng gánh nặng thuế khóa vừa phải chịu đựng ô nhiễm không khí trong khi người hưởng lợi là nhà đầu tư nước ngoài? Những điều trên cho thấy lý do để đưa thuế BVMT với mức cao nhất vào giá xăng dầu là điều khó hiểu.
Xăng dầu là sản phẩm thiết yếu nên khi tăng giá xăng sẽ dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá trị tăng thêm và GDP. Tăng thuế BVMT vào giá xăng phải chăng là một nghịch lý?
Bình luận (0)