Quả thật tiếng Việt đã gắn bó máu thịt với người dân qua nhiều thế hệ, nên nay ai muốn thay đổi lập tức vấp phải phản ứng dữ dội của số đông. Năm 2019, giáo sư Bùi Hiền muốn cải cách "tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" đã bị dư luận, trong đó có rất nhiều nhà ngôn ngữ học tên tuổi, phản đối. Còn trước nữa, cải cách chữ viết đã được đưa vào sách giáo khoa nhưng rồi âm thầm bị gạt bỏ mà đến nay nhiều người còn mang ra giễu cợt.
Trở lại công trình nghiên cứu trên của đồng tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình, kiểu chữ viết mới thật quá xa lạ với mọi người. Ví dụ: "Lời nguyện cầu ngày Noel" sẽ thành "Loik Wylf Caud Wayl Noel" thì ai mà hiểu nổi. Nhưng liệu phê phán nặng lời về nghiên cứu này có đáng?
Trước hết, đây là công trình của những cá nhân nên sẽ không tốn của công và chẳng làm mất thời gian của người khác. Nếu đủ sức thuyết phục thì tự nó sẽ được sử dụng, ngược lại sẽ chỉ "cất hộc bàn". Quan trọng hơn, tiếng Việt đủ đẹp đẽ, trong sáng và giàu sức sống nên chẳng việc gì lo ngại sẽ bị xâm hại bởi một công trình nghiên cứu như thế.
Có lẽ chúng ta nên tập trung phê phán vào những công trình nghiên cứu vô bổ nhưng tốn tiền tỉ của nhà nước. Có một số liệu khá lạ lẫm: Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa chi gần 141 tỉ đồng cho sự nghiệp khoa học với 3.116 cán bộ tham gia, trong đó có 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ, 1.067 thạc sĩ. Thế nhưng, cả năm này, Thanh Hóa chỉ có 19 công trình nghiên cứu khoa học trong nước và 1 công trình khoa học quốc tế được công bố. Hỏi về công trình khoa học quốc tế trên, ngay cả cán bộ ở Thanh Hóa cũng không nhiều người biết.
Vấn đề này đã nhiều lần được đặt ra ở Quốc hội nhưng nghiên cứu "cất hộc bàn" vẫn còn rất nhiều ở các địa phương, các bộ, ngành. Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận: Đây là vấn đề trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo bộ này. Với trách nhiệm với từng đồng thuế của nhân dân, nhìn một cách tổng thể và thấu đáo thì việc chậm ứng dụng các kết quả đề tài nghiên cứu, chậm đưa vào cuộc sống cũng là một sự lãng phí.
Chúng ta cũng không quên rằng trong năm 2019, tổng chi sự nghiệp cho khoa học công nghệ là 12.825 tỉ đồng. Còn nghiên cứu "cất hộc bàn" thì số tiền này còn bị lãng phí. Nói đến công trình nghiên cứu, tôi thường nhớ ngay đến những nông dân không tiếng tăm ở các vùng miền. Anh nông dân ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre tự chế chiếc máy lọc nước biển ra nước ngọt, công suất 400 lít/giờ với giá thành chỉ 30 triệu đồng. Một lão nông ở tỉnh Phú Thọ tự làm ra chiếc máy thái và nạo sắn giản đơn, công suất 1 tấn/giờ. Còn một lão nông khác ở tỉnh Phú Thọ chế tạo máy bóc lạc có tay quay và cải tiến máy thái thức ăn gia súc bằng gỗ có mô-tơ... Hàng trăm chiếc máy hữu ích như thế đáng quan tâm hơn là công trình nghiên cứu tiếng Việt không dấu hoặc bao nghiêu cứu "cất hộc bàn" chứ!?
Bình luận (0)