Thống kê của ứng dụng quan trắc chất lượng không khí (CLKK) mở rộng ra các huyện ngoại thành Hà Nội thời gian gần đây cho thấy nhiều thông tin bất ngờ. Có nhiều thời điểm CLKK tại 2 điểm đo ngoại thành là Minh Trí (huyện Sóc Sơn) và Phú Đông (huyện Ba Vì) thường xuyên ở mức kém, cao hơn cả khu vực nội đô.
"Sát thủ" trong không khí
Cụ thể, có những ngày tại Minh Trí, chỉ số AQI (CLKK) là 143, ở Phú Đông là 160, tương đương với những điểm ô nhiễm nhất trong nội đô là Hàng Trống, Bảo Linh (quận Hoàn Kiếm); Tam Trinh (quận Hoàng Mai) và cao hơn nhiều so với các điểm khác như Quan Hoa (quận Cầu Giấy với AQI là 117) và Thượng Đình (quận Thanh Xuân, AQI là 94).
Đốt rơm rạ là một nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các vùng ven TP Hà Nội
Đáng chú ý, có những ngày chỉ số AQI tại Ba Vì còn lên tới 228 - tương đương mức xấu; còn ở Sóc Sơn là 180, cao hơn nhiều khu vực nội đô.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí cao đột biến ở Ba Vì, Sóc Sơn là do đốt rơm rạ. TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng ngoài việc gây ra khói mù, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đốt rơm rạ còn tạo ra lượng lớn bụi mịn PM2.5 - vốn được coi là "sát thủ" trong không khí.
Thông thường, CLKK diễn biến xấu hơn, ô nhiễm không khí gia tăng vào các giờ cao điểm khi mật độ giao thông gia tăng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khoảng từ 23 giờ trở đi, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội có xu hướng tăng cao bất thường.
"Nhiều ngày qua, tại các huyện ngoại thành của Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam... có tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Thời điểm đốt rơm rạ thường diễn ra lúc chập tối nên nồng độ PM2.5 tăng rất cao ở những nơi đó chỉ sau 1-2 giờ. Sau đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội tăng cao rõ rệt, bắt đầu từ khoảng 23 giờ và kéo dài 2-3 giờ tiếp theo rồi mới hạ dần" - ông Tùng thông tin và khẳng định nguyên nhân gia tăng nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội vào thời điểm đêm khuya là do nguồn phát thải từ đốt rơm rạ.
Chính quyền cần vào cuộc
Theo các chuyên gia môi trường, việc đốt rơm rạ ngoài trời đã phát thải các khí CO2, CO, NOx. Chưa kể, khi rơm rạ cháy không hết còn có thể tạo ra aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi đốt rơm rạ, hàm lượng bụi PM2.5 tăng đột biến trong không khí, trong đó lượng bụi mịn không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà còn theo gió phát tán ra một vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí, nhất là tại khu vực đô thị.
Ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ cũng là vấn đề của nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm việc đốt rác thải ngoài trời, trong đó có rơm rạ như Hồng Kông, Singapore… Vì vậy, TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, có chỉ đạo kịp thời đến từng huyện, xã, phường cũng như cảnh báo, vận động người dân dừng các hoạt động đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa, tránh những nguy hại tới sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, đơn vị đã tham mưu với Sở TN-MT kiến nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội chấp thuận mở rộng từ 10 trạm quan trắc không khí lên 33 trạm (đã được chấp thuận). Sau khi có 33 trạm quan trắc này, ngành chức năng sẽ kịp thời thông tin, dự báo và cảnh báo về CLKK để các cơ quan chức năng, du khách và người dân được biết.
Ngoài ra, đơn vị cũng mong muốn ngành TN-MT sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường quốc gia để kết nối thông tin kiểm soát chất lượng môi trường trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh lân cận, để từ đó Hà Nội có thể chủ động trong công tác xây dựng các kịch bản ứng phó, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn thủ đô.
Ông Lê Anh Chiến, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội), cho biết người dân hiểu rõ việc đốt rơm rạ không tốt cho môi trường và sức khỏe cộng đồng nhưng do chưa biết sử dụng vào việc gì nên đốt bỏ. Trong khi đó, nhà nước chưa có các quy định, chế tài cụ thể đối với việc đốt rơm rạ nên chính quyền địa phương khó xử lý.
Ô nhiễm ngày càng tăng
Ông Mai Trọng Thái cho biết CLKK quý I/2019 không được tốt như cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, vào quý I/2018, tại tất cả trạm quan trắc đều không có ngày nào CLKK chạm mức xấu, thậm chí mức kém, mặc dù số ngày CLKK đạt mức tốt thấp hơn. "Còn vào quý I/2019, số ngày CLKK đạt mức xấu đều xuất hiện tại tất cả các trạm" - ông Thái thông tin.
Theo Tổ chức Thông tin về CLKK toàn cầu và Tổ chức Hòa bình Xanh, Hà Nội đứng thứ 12/62 TP ô nhiễm nhất thế giới. Tại Đông Nam Á, Hà Nội chỉ đứng sau Jakarta của Indonesia về mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Bình luận (0)