Sáng 10-8, trao đổi với Báo Người Lao Động, ngư dân Lê Văn Hòa (chủ tàu cá ĐNa-77111) cho biết nhiều ngư dân như đang "ngồi trên lửa" trước nguy cơ tàu chìm vì không thể ra vào âu thuyền để bơm nước từ tàu ra ngoài.
Trước đó, âu thuyền Thọ Quang ghi nhận liên tiếp 3 vụ tàu cá của ngư dân bị chìm khi đang neo đậu. Gần nhất, rạng sáng 7-8, 2 tàu cá số hiệu ĐNa-63217 và ĐNa-77111 do ông Trần Bình và Lê Văn Hòa (cùng trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) làm chủ bị chìm khi đang neo đậu tại khu vực phao số 27B (đường Lê Đức Thọ, phường Thọ Quang).
Khu vực 2 tàu cá ĐNa-63217 và ĐNa-77111 bị chìm dưới nước
Tương tự, khoảng 1 giờ ngày 3-8, tàu cá số hiệu QNg 92383 cũng bị chìm. Dầu trên tàu bị tràn khiến lực lượng chức năng phải vất vả trục vớt tàu chìm và ngăn lượng dầu tràn ra biển. Thời điểm tàu cá bị chìm, trên tàu không có ngư dân.
Lý giải chuyện tàu chìm, ngư dân Lê Văn Hòa, chủ tàu cá ĐNa 63217 cho biết mỗi tàu vỏ gỗ có độ thấm nước riêng. Tùy thuộc vào công suất mỗi tàu cá mà ngư dân phải bơm lượng nước tràn từ trong thuyền ra ngoài nếu không sẽ bị phá nước, chìm tàu. Thường thì tàu cá không "cầm cự" quá 7 ngày.
Sau khi biết tin âu thuyền Thọ Quang nằm trong vùng phong tỏa cứng, ông Hòa lập tức đến UBND phường Thanh Khê Tây xin giấy thông hành để được ra vào âu thuyền thăm tàu cá, bơm nước chống chìm. Giấy thông hành đi "cứu" tàu được UBND phường cấp trong ngày, có hiệu lực 2 giờ đồng hồ.
Tàu cá QNg 92383 bị chìm và tràn dầu vào ngày 3-8
Tuy nhiên, ngày 5-8, dẫu có giấy thông hành, ông vẫn không qua được các chốt kiểm soát ở phía đông cầu Rồng để vào quận Sơn Trà. Tại chốt, ông Hòa được thông báo mình không nằm trong trường hợp được ra vào khu vực cách ly y tế của quận, cảng cá Thọ Quang lại thuộc khu vực phong tỏa cứng để phòng dịch nên ông Hòa đành phải quay về.
"Quay về, cả nhà tôi mất ngủ vì biết tàu cá không "cầm cự" được lâu nữa. Đến khuya ngày 6-8 tôi nhận được tin tàu đã bị chìm. Tàu chìm khiến nắp hầm cá bị vỡ, bộ phận máy, các thiết bị trên tàu coi như hư hết, số dầu nhớt thì tràn ra mặt nước. Con tàu giá trị gần 400 triệu đồng. Thiệt hại ước tính sơ bộ gần 70 triệu, giờ vẫn còn chìm dưới biển", ông Hòa than thở.
Ông Phạm Trung Thành, Phó ban quản lý (BQL) cảng cá và âu thuyền Thọ Quang, cho biết đã báo cáo Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng để có chỉ đạo kịp thời trong việc ứng phó sự cố chìm tàu. Cạnh đó, BQL cảng cá và âu thuyền Thọ Quang đã liên hệ lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Thanh Khê để cấp giấy đi đường, tạo điều kiện cho các ngư dân tiếp cận thăm tàu, xử lý sự cố.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Người Lao Động, lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho biết đã nắm thông tin và đang chuẩn bị phương án xử lý.
Cảng cá và âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) hiện đang nằm trong khu vực phong tỏa cứng, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để phòng chống dịch Covid-19. Đà Nẵng cấm tuyệt đối người không có phận sự vào trong khu cách ly, kể cả lực lượng Công an, báo chí, các đoàn từ thiện,… Người vào trong phải được sự cho phép của Ban chỉ đạo thành phố và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Cảng cá Thọ Quang hiện vẫn đang là chuỗi lây nhiễm với nguy cơ rất cao. Chỉ tính ngày 9-8, chuỗi lây nhiễm này ghi nhận thêm 56 ca mắc mới, cộng dồn lên đến 771 ca nhiễm liên quan.
Bình luận (0)