Cụ thể, ngôi nhà thép tiền chế bên trong bến cá có khá nhiều chỗ bị gỉ sét; tại khu nhà điều hành, phân loại sản phẩm, những bức tường xi-măng đã nứt, xuống cấp; tuyến đường bê-tông từ bến cá đi vòng xuống bãi biển Tân Phụng bị sóng đánh gãy, nhiều vị trí khác xói lở… Trong khi đó, cách bến cá chỉ vài trăm mét, bên bờ biển Tân Phụng lại nhộn nhịp cảnh mua bán hải sản.
Theo người dân địa phương, bến cá Tân Phụng được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, bến cá này không thu hút được ngư dân địa phương đến tham gia.
Theo tìm hiểu, bến cá Tân Phụng là công trình thuộc dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do Ngân hàng Thế giới tài trợ, có tổng kinh phí đầu tư hơn 26 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. Sau 2 năm khởi công xây dựng, đầu năm 2019, bến cá này được hoàn thành và bàn giao Ban Quản lý Cảng cá Bình Định quản lý, khai thác.
Bến cá Tân Phụng bỏ hoang sau 3 năm đưa vào hoạt động
Theo bà Huỳnh Thị Lựu (một chủ ghe ở thôn Tân Phụng 1, xã Mỹ Thọ), sở dĩ ngư dân không đưa sản phẩm vào bến cá Tân Phụng là do vị trí không phù hợp với đặc điểm địa lý vùng bãi ngang. Bên cạnh đó, hệ thống bậc tam cấp bến cá quá cao và xa so với vị trí tàu, thuyền neo đậu. Ngoài ra, bến cá xây dựng ở nơi lộng gió, tàu thuyền nếu neo đậu phía trước bến cá dễ xảy ra va đập do sóng lớn.
Để khắc phục tình trạng "vườn không nhà trống" ở bến cá Tân Phụng, cuối năm 2019, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng làm thêm con đường từ bến cá xuống bãi biển để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, khu vực bến cá không có cầu cảng để tàu cập bến nên con đường này cũng không có tác dụng. Vì vậy, bến cá Tân Phụng vẫn tiếp tục hoang vắng, trong khi đó số tiền đầu tư bị lãng phí ngày càng nhiều thêm.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, cho biết vùng biển Tân Phụng hiện có khoảng 40 ghe đánh bắt ven bờ với sản lượng khai thác thấp nên ngư dân chủ yếu dùng xe máy để vận chuyển đến nơi tiêu thụ thay vì đưa hàng hóa vào bến mới. Hơn nữa, bến cá Tân Phụng trước đây xây dựng hướng tới phục vụ cho các đội tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Song, hiện nay, các tàu này về cập tại cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) để bán sản phẩm hoặc lấy phục vụ khai thác là chủ yếu.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, để tránh lãng phí, sắp tới, Sở NN-PTNT sẽ bàn giao công trình cho chính quyền địa phương quản lý. Từ đó, địa phương sẽ có giải pháp vận động người dân vào sử dụng, hoạt động.
Bình luận (0)