Trải dài trên 254 km bờ biển từ Đông sang Tây, tỉnh Cà Mau có hàng trăm cửa biển, cửa sông. Lợi thế về địa lý tạo ra nhiều sinh kế cho người dân, trong đó có hoạt động khai thác thủy sản ven bờ.
Lú bát quái, bắt tần tật
Tuy nhiên, tình trạng khai thác ven bờ, tận diệt nguồn lợi thủy sản đang là vấn đề mà tỉnh Cà Mau phải đối mặt. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 phương tiện khai thác ven bờ. Con số này trong thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều, vì có cả phương tiện thủy gia dụng tham gia đánh bắt chưa được kiểm đếm.
Các phương tiện này dùng đủ loại ngư cụ như: lưới màn, lưới mắc nhỏ, đẩy te, đẩy sịp, lú bát quái, đáy bờ, đáy cạn... bắt tất tần tật những sinh vật dù lớn hay bé. Trong đó, không ít dụng cụ khai thác đã bị liệt vào loại nghiêm cấm, nhất là lú bát quái, vì mang tính tận diệt. Tuy nhiên, bất chấp bị phạt nặng và tịch thu, loại dụng cụ khai thác này vẫn ngang nhiên được sử dụng một cách công khai ở hầu hết các cửa biển lớn, nhỏ ở Cà Mau cũng như khu vực ĐBSCL.
Rất nhiều ngư dân Cà Mau dùng cả phương tiện thủy gia dụng để khai thác thủy sản ven bờ
Từ nhiều năm qua, ngăn chặn khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ dường như là nhiệm vụ "bất khả thi" của ngành chức năng địa phương, bởi lẽ nó liên quan trực tiếp đến "nồi cơm" của đại bộ phận dân nghèo ven biển. Mọi biện pháp tuyên truyền dường như rất ít tác dụng mà ngược lại, sự mâu thuẫn, xung đột giữa ngư dân và lực lượng chức năng ngày càng gay gắt.
Cũng vì gắn liền sinh kế của người dân ven biển nên giải pháp chuyển đổi ngành nghề của tỉnh Cà Mau thời gian qua chưa mang lại hiệu quả tích cực. Vì thế, khai thác thủy hải sản ven bờ vẫn cứ tiếp diễn, phương tiện khai thác ngày càng nhiều hơn. Hệ quả là nguồn lợi thủy sản cứ dần cạn kiệt, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và kinh tế biển.
Phải gắn với lợi ích của ngư dân
Huyện Trần Văn Thời là địa phương có nhiều phương tiện đánh bắt ven bờ nhất tỉnh Cà Mau cũng như vùng ĐBSCL. Trước tình trạng khai thác thủy sản ven bờ tràn lan, nhiều địa phương của huyện này bước đầu đưa ra được các mô hình hay, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế vừa nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong ngư dân. Điển hình là ở xã Khánh Bình Tây Bắc.
Tại Khánh Bình Tây Bắc, việc thành lập HTX và tổ đồng quản lý khai thác ven bờ đang được chính quyền địa phương này lựa chọn, kỳ vọng phát huy hiệu quả. Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, cho rằng ngư dân tham gia HTX này được bảo đảm lợi ích và chính họ trở thành những người tích cực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vì lợi ích chung của cộng đồng. Cũng chính họ là những người vận động bà con ngư dân cùng tuân thủ pháp luật, các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu.
Nói về mô hình này, ông Bùi Chí Ngạn khẳng định: "HTX được thuê diện tích mặt nước để khai thác hải sản hợp lý, tránh được tình trạng khai thác theo kiểu hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên. Đây cũng chính là điều kiện để nâng cao đời sống của ngư dân bởi những thành viên HTX đều là người địa phương, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã".
Không chỉ thành lập HTX khai thác ven bờ, xã Khánh Bình Tây Bắc cũng đã và đang thực hiện dự án thả san hô nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngư dân tham gia các tổ đồng quản lý vừa bảo vệ vừa trở thành đối tượng thụ hưởng từ dự án này.
Đây là dự án nhận được sự đồng thuận lớn từ ngư dân địa phương bởi nó tác động trực tiếp vào lợi ích của chính họ. Các thành viên tổ đồng quản lý thời gian qua đã cùng với ngành chức năng vận chuyển rạn san hô đến địa điểm thả. Họ được khai thác theo đúng quy định nguồn lợi hải sản mà các rạn san hô mang lại, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ, ngăn chặn khai thác trái phép.
"Khi nhận thấy có quyền lợi, sinh kế bảo đảm thì chắc chắn người dân sẽ tự tham gia" - ông Bùi Chí Ngạn tin tưởng.
Chuyển đổi sang các nghề thân thiện với môi trường
Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết nhằm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ đang trong tình trạng gần như cạn kiệt hiện nay, UBND tỉnh đã xác định, công khai hạn ngạch khai thác cho hơn 3.400 tàu cá, gồm các nhóm nghề chủ yếu như: ké, rê, câu, lồng/bẫy. Trong đó, khai thác thủy sản tại vùng lộng có 1.648 phương tiện được cấp phép. Còn tại vùng khai thác ven bờ, tỉnh Cà Mau đã cấp phép cho hơn 2.000 phương tiện hoạt động.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, khi các chủ tàu được chuyển đổi sang những nghề thân thiện với môi trường, họ sẽ không sát hại nguồn lợi thủy sản.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)