Sáng 21-9, ngư dân Nguyễn Kỳ (trú phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho tàu cá số hiệu BTh 99630 TS vào cảng Phan Thiết chuẩn bị ra khơi khai thác ốc hương. Tuy nhiên, khi làm thủ tục xuất bến với lực lượng Biên phòng, Kiểm ngư thì anh Kỳ mới biết hơn 1 tháng qua VMS của tàu không còn hoạt động dù vẫn đóng tiền thuê bao đầy đủ.
VMS hỏng bất chợt, tàu không được xuất bến
Anh Kỳ cho biết tàu cá của mình ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị quản lý tàu cá với Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa L Trần (Công ty L Trần) từ năm 2020. Thế nhưng, từ khi lắp đặt đến nay, anh ít khi kiểm tra thiết bị vì cho rằng chỉ hoạt động tuyến lộng, trong khi Công ty L Trần cũng chỉ nhắc anh đóng tiền thuê bao kích hoạt chứ không thông báo tình trạng thiết bị cũng như hậu mãi. "Đá, nước, nhu yếu phẩm với cá mồi để nhử ốc hương phí tổn đến hơn 20 triêu đồng đã được xếp dưới hầm, mà giờ tàu không được ra khơi vì VMS hư thì thiệt khổ cho anh em bạn thuyền quá. Cứ nghĩ đóng đủ tiền là thiết bị hoạt động, chứ mình đâu kiểm tra, nhà mạng thì họ cũng không thông tin gì hết" - anh Kỳ bức xúc.
Tương tự là trường hợp của ông Võ Văn Hải (trú phường Phú Hài, TP Phan Thiết, chủ tàu BTh 97039 TS). Tháng 4-2020, tàu cá của ông ký hợp đồng mua một thiết bị giám sát InReach Mini cùng 3 tháng thuê bao của Công ty L Trần với giá hơn 18 triệu đồng. Đi kèm với hợp đồng là địa chỉ bảo hành thiết bị đặt tại địa phương. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, VMS bị hỏng, ông Hải liên hệ đại lý tại TP Phan Thiết thì họ không xuống kiểm tra với lý do chỉ lắp đặt, không sửa chữa. "Tôi gọi đại lý không được nên gọi thẳng vào số của công ty thì họ kêu kết nối qua cuộc gọi video để hướng dẫn sửa. Rồi sửa không được họ kêu tôi tự tháo thiết bị đem ra ngoài tiệm sửa. Tôi không đồng ý cách làm kiểu bỏ con giữa chợ này nên đã bỏ luôn thiết bị" - ông Hải cho biết.
Cầm giấy thông báo nhắc nhở của Trạm Kiểm ngư Phan Thiết vì VMS không hoạt động thời gian dài, ông Trần Thanh Xuân, chủ 7 chiếc tàu cá tại TP Phan Thiết khá bất ngờ. Chấp hành quy định khai thác thủy sản, 7 chiếc tàu của ông đều được lắp VMS do Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh (Công ty Bình Anh) cung cấp. Cách đây 10 ngày, khi tàu của ông chuẩn bị ra khơi thì Kiểm ngư cho biết VMS đã không hoạt động, trong khi ông đưa biên lai ra để chứng minh đã đóng tiền thuê bao đầy đủ. "Khi sắp hết thuê bao thì họ gọi nhắc đóng, còn khi hư, mất tín hiệu thì không thông tin gì để tôi chủ động việc ra khơi. Khi Kiểm ngư báo máy hư, gọi vào người lắp VMS thì họ bảo nghỉ làm rồi. Gọi vào công ty thì 2 ngày sau họ mới cho thợ đến sửa. Mình vừa trễ chuyến biển vừa mất thêm gần 5 triệu phí sửa chữa" - ông Xuân bức xúc.
Anh Nguyễn Kỳ đang giải thích với lực lượng kiểm ngư rằng đã đóng phí thuê bao VMS đầy đủ
Thiếu trách nhiệm
Theo Chi Cục thủy sản Bình Thuận, quá trình lắp đặt VMS cho tàu cá, nhiều nhà mạng thu đủ phí thuê bao của chủ tàu nhưng thiếu trách nhiệm trong kiểm tra kết nối dẫn đến tàu cá mất tín hiệu trong thời gian dài nhưng không biết. Ngoài ra, một số nhà mạng khi kích hoạt lại dịch vụ đã thu phí quá cao gây khó cho chủ tàu. Trong đó, Công ty L Trần thu 800.000 đồng/lần kích hoạt, Công ty Bình Anh thu 820.000 đồng/lần. Ngoài ra, các nhà mạng còn tự ý nâng phí thuê bao cao hơn mức đã thỏa thuận. Cụ thể, Công ty Bình Anh tự nâng phí dịch vụ từ 385.000 đồng/tháng lên 415.000 đồng (gói 3 tháng). Còn Công ty L Trần thì lại buộc chủ tàu đóng đủ phí thuê bao năm 2021 nếu muốn kích hoạt lại VMS từ năm 2022, trong khi năm 2021, nhiều tàu cá nằm bờ nhiều tháng liền do dịch COVID-19. Do việc thu phí dịch vụ và phí kích hoạt lại cao nên tại Bình Thuận đang xảy ra nhiều tranh chấp giữa chủ tàu với nhà mạng cung cấp VMS. 6 tháng năm 2022, có hơn 700 tàu cá tại Bình Thuận bị mất kết nối VMS vì ngư dân bức xúc không đóng phí dịch vụ. Việc tàu cá mất kết nối gây nhiều khó khăn trong giám sát hoạt động trên biển. "Các thiết bị VMS kết nối qua sóng vệ tinh thường xuyên bị chập chờn ngay cả khi nguồn pin cấp đủ. Trong khi công tác bảo hành, hậu mãi, sửa chữa rất kém vì các công ty cung cấp thiếu trách nhiệm, không có đại lý tại địa bàn" - đại diện Chi Cục thủy sản Bình Thuận cho biết.
Để khắc phục những bất cập liên quan đến VMS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã kiến nghị Tổng cục Thủy sản làm việc với các nhà mạng để hạ mức phí kích hoạt lại dịch vụ, đồng thời kiểm tra chất lượng thu phát sóng của một số loại thiết bị VMS thường xuyên mất kết nối. Sở cũng đề nghị xem xét quy định thống nhất mức phí dịch vụ đối với các nhà mạng.
Góp phần gỡ thẻ vàng
Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, tính đến tháng 8-2022, tỉnh này có 1.895/1.940 tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt VMS. Riêng nhóm tàu từ 24 m trở lên, lắp VMS đạt 97,3%. Hệ thống VMS đi vào vận hành thông qua Trung tâm Dữ liệu giám sát đặt tại Chi cục Thủy sản nhằm hạn chế vi phạm khai thác IUU, góp phần vào việc gỡ thẻ vàng thủy hải sản khi cảnh báo, ngăn chặn, xử lý tàu cá khai thác vượt ranh giới cho phép trên biển.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)